Trong tỉnh

Công ty Thanh Bình có “phá ngang” dự án?

Tỉnh Thanh Hóa đang lập báo cáo đầu tư dự án 1.260 tỷ đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo hình thức sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Hungary đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh thống nhất. Bỗng dưng, một công ty mới thành lập 12 ngày, chưa chứng minh được năng lực tài chính lại có đề xuất xin chấp thuận chủ trương đầu tư một dự án tương tự, khiến dự án này có nguy cơ rẽ sang một hướng khác.

Công ty Thanh Bình có “phá ngang” dự án? Trụ sở công ty đề xuất dự án gần 1.200 tỷ đồng là cửa hàng bán quần áo. Ảnh: VT

Người dân sẽ hưởng lợi khi dự án được triển khai

Theo tìm hiểu được biết, ngày 23/9/2017, Văn phòng Chính phủ đã đã có Văn bản số 10141/VPCP-QHQH truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho tỉnh Thanh Hóa lập báo cáo dự án xây dựng hệ thống cấp nước thô chuỗi đô thị dọc Quốc lộ 47, TP Thanh Hóa và các vùng phụ cận sử dụng vốn vay của ODA của Chính phủ Hungary.

Ngày 28/12/2017, Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa thống nhất chủ trương đầu tư dự án tại Công văn số 268-KL/TU; Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa thống nhất chủ trương đầu tư dự án tại Công văn số 34/CV-HĐND ngày 5/11/2017.

Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.260 tỷ đồng, trong đó vốn ODA khoảng 1.031 tỷ đồng, vốn đối ứng khoảng 228 tỷ đồng; giai đoạn chuẩn bị đầu tư từ năm 2018 đến 2020, giai đoạn thực hiện dự án từ tháng 1/2021 đến tháng 6/2024. Đáng nói, dự án đã được UBND tỉnh Thanh Hóa bố trí 2 tỷ đồng vốn đối ứng từ nguồn cân đối ngân sách của tỉnh để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư.

Mọi việc đang đi đúng hướng, đúng kế hoạch đã đề ra, Ban Quản lý dự án các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn đã thành lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án, UBND tỉnh Thanh Hóa đã trình Bộ KHĐT dự án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án tại Văn bản số 553/QĐ-BTNMT ngày 11/3/2019.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thực hiện dự án bằng nguồn vốn ODA của Hungary thì người dân ở dọc tuyến Quốc lộ 47 và các vùng phụ cận Thọ Xuân, Triệu Sơn, Đông Sơn, TP Thanh Hóa sẽ được hưởng lợi. Đây là một dự án an sinh xã hội cần được triển khai sớm để phục vụ nước sinh hoạt đến với người dân nhanh hơn.

Quan điểm thống nhất chủ trương đầu tư của Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa là đúng đắn, đi đúng hướng, bởi vì đây là dự án có vốn vay ưu đãi, có lợi cho người dân nằm trong vùng dự án, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của tỉnh nhà.

Công ty mới thành lập 12 ngày “đề xuất” phá ngang dự án?

Trái khoáy, trong khi dự án đang được thực hiện một cách “thuận buồm, xuôi gió”, chẳng hiểu thế nào, Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Thanh Bình (Cty Thanh Bình), mới được thành lập 12 ngày (tính đến ngày gửi văn bản cho UBND tỉnh Thanh Hóa) lại có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị chấp thuận chủ trương một dự án gần như là “bản sao” của dự án vay vốn ODA Hungary đang được triển khai.

Từ đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Sở KHĐT chủ trì lấy ý kiến các ban, ngành. Hầu hết các ban, ngành đều không thống nhất hoặc chỉ ra những điểm bất hợp lý về việc đầu tư dự án tư nhân này.

Sở TN&MT không chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, lý do vị trí các khu đất mà Cty Thanh Bình đưa ra không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Mặt khác dự án đã được tỉnh Thanh Hóa làm các thủ tục đề xuất đầu tư theo hình thức vốn vay ODA Hungary và đã được HĐND tỉnh thống nhất đầu tư dự án.

Sở Tài chính cho rằng, tổng mức đầu tư của dự án của Cty Thanh Bình là 1.198 tỷ đồng, vốn huy động 800 tỷ đồng không có cam kết của các tổ chức tín dụng. Như vậy, nhà đầu tư chưa chứng minh được khả năng tài chính cũng như khả năng huy động vốn nên chưa đủ điều kiện về năng lực tài chính để thực hiện dự án. Về hiệu quả của dự án, theo đề xuất của nhà đầu tư về giá bán, sản lượng nước tiêu thụ dự án sẽ khó có tính khả thi nên cần xem xét lại hiệu quả kinh tế của dự án, đặc biệt là sản lượng nước tiêu thụ.

Ngoài ra, Ban Quản lý dự án các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng có văn bản khẳng định: Nhà đầu tư chưa có năng lực, kinh nghiệm quản trị dự án, chưa chứng minh được năng lực tài chính và tính hiệu quả của dự án, do đó nguy cơ tiềm ẩn không hoàn thành dự án là rất cao.

Từ những ý kiến của các sở, ban, ngành, ngày 21/8/2019 Sở KHĐT Thanh Hóa đã có Văn bản số 5122/SKHĐT-KTĐN gửi UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định chưa có cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cho Cty Thanh Bình.

Tuy nhiên, chẳng hiểu vì lý do gì mà Sở KHĐT lại đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa phải có văn bản báo cáo, xin ý kiến Thường vụ Tỉnh ủy xem xét về hình thức đầu tư dự án này rồi giao Sở KHĐT hướng dẫn các chủ đầu tư triển khai, thực hiện các bước tiếp theo của dự án.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên, Cty Thanh Bình có trụ sở đóng ở số 17 Lê Hữu Lập, phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa theo đăng ký. Tuy nhiên, thực tế tại số nhà này lại là “Đại lý sản phẩm dệt may Khatoco Biển Hằng” chuyên bán buôn, bán lẻ quần áo. Người dân và chính quyền địa phương không hề hay biết Giám đốc và Cty này mặt mũi thế nào!

Nhiều câu hỏi được đặt ra, vì sao một Cty mới thành lập được 12 ngày lại “đề xuất” dự án “bản sao”, phá ngang dự án mà tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện? Cần phải làm rõ động cơ, mục đích của việc xin chấp thuận chủ trương đầu tư này? Việc UBND tỉnh Thanh Hóa đã bỏ 2 tỷ đồng tiền ngân sách để thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư, nếu quyết cho tư nhân làm thì liệu có quá lãng phí, ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Các ban, ngành có ý kiến đánh giá Cty Thanh Bình chưa đủ năng lực tài chính, chưa có kinh nghiệm quản lý dự án thì liệu hiệu quả đầu tư có thực sự khả thi?

Tác giả: Văn Thanh

Nguồn tin: Báo Thanh tra

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok