Pháp luật

Công lao "bỏ sông bỏ biển" của cựu Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa trước ngày xét xử

Trước khi “ngã ngựa” vì bàn tay nhúng chàm trong vụ án tổ chức đánh bạc qua mạng internet, ông Nguyễn Thanh Hóa- cựu Cục trưởng C50 có dấu ấn cá nhân, đã từng chỉ đạo phá những chuyên án tội phạm công nghệ cao lớn nào?

C50 (Cục cảnh sát điều tra tội phạm công nghệ cao) dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Thanh Hóa khi đương chức Cục trưởng là một đơn vị khắc tinh đối với tội phạm lấy cắp thông tin thẻ tín dụng. C50 đã phá thành công vụ hacker Việt Nam tấn công mạng ở Anh.

Thông tin trên tờ Dân Việt cho biết, thời điểm 2010, C50 đã phối hợp với Cảnh sát Vương quốc Anh khám phá vụ hacker Việt Nam đột nhập lấy cắp thông tin của khoảng 100.000 thẻ tín dụng ở Anh. Vụ việc này được cơ quan Cảnh sát Vương quốc Anh đề nghị nhà chức trách Việt Nam phối hợp khi nhận thấy các đối tượng đã xâm nhập vào hệ thống mạng của một công ty tại Anh lấy cắp thông tin của 100.000 thẻ tín dụng trị giá 6 triệu bảng Anh. Dấu vết để lại cho thấy vụ việc có liên quan đến hacker VN.

Quá trình xác minh, điều tra, C50 phát hiện một số đối tượng trong nước và nước ngoài có liên quan đến các hành vi được Cảnh sát Vương quốc Anh thông báo. Trong đó đã làm rõ các đối tượng Lê Đăng Khoa, Nguyễn Ngọc Lâm, Nguyễn Ngọc Thanh và Nguyễn Đình Nghi (sống tại Hà Nội và TP.HCM) là những người cầm đầu các vụ đột nhập. Các đối tượng này đều rất trẻ và giỏi công nghệ thông tin.

Chân dung ông Nguyễn Thanh Hóa. (ảnh: intrernet)

Sau khi bị triệu tập, tại cơ quan công an, bước đầu những hacker này khai đã “biến” tài khoản tín dụng của người khác thành của mình và lấy cắp tiền trong tài khoản.

Về thủ đoạn gây án, để tránh bị chủ tài khoản phát hiện, họ chuyển tiền thành nhiều lần với giá trị không lớn. Bên cạnh đó để đối phó với cơ quan chức năng trong nước, họ không trực tiếp đứng ra nhận tiền mà thuê người khác dùng CMND của mình để làm thủ tục rút số tiền tại các ngân hàng. Ngoài tiền mặt, họ còn mua sắm nhiều tài sản có giá trị như máy tính xách tay, các loại vật dụng đắt tiền rồi gửi qua đường bưu điện.

Ngoài vụ việc xảy ra ở Vương quốc Anh, vào thời điểm năm 2010, C50 đã tiến hành điều tra một vụ lấy cắp thông tin của 1.000 tài khoản tín dụng khác xảy ra tại Úc. Một vụ việc khác cũng được C50 xác minh là các hacker cấu kết với một số đối tượng nước ngoài sử dụng các tài khoản tín dụng lấy cắp mua vé máy bay qua mạng và bán lại với giá rẻ.

Khi còn là lãnh đạo C50, ông Hóa từng trực tiếp chỉ đạo chuyên án sử dụng mạng internet để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của Công ty CP Đào tạo trực tuyến (Công ty MB24).

Năm 2012, vụ án Công ty Cổ phần Đào tạo Mua bán trực tuyến MB24 lừa đảo gây chấn động dư luận. Công ty này đã xây dựng thành công hệ thống chân rết khổng lồ, lôi kéo hơn 100.000 người đổ tiền mua gian hàng ảo, thu hàng trăm tỉ đồng chỉ trong một năm.

Dù không được cấp phép kinh doanh thương mại điện tử song Công ty MB24 vẫn rao bán hơn 120.000 gian hàng điện tử trên trang web muaban24.vn, chiếm đoạt hơn 700 tỷ đồng.

Trong vụ án này, TAND TP Hà Nội đã tuyên án 42 năm tù dành cho 3 cựu lãnh đạo Công ty MB24 là Ngô Văn Huy (43 tuổi, nguyên TGĐ công ty) 16 năm tù giam, Lê Văn Cường (40 tuổi, nguyên phó chủ tịch HĐQT, phó TGĐ) 14 năm tù giam và Nguyễn Mạnh Hà (35 tuổi, trưởng phòng kỹ thuật, quản trị trang web muaban24.vn) 12 năm tù giam.

Năm 2015, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên phúc thẩm giảm án cho Huy và Cường do khắc phục được một phần hậu quả.

Là khắc tinh của tội phạm, nhưng đến lượt mình, vị cựu cán bộ công an này đã không tránh được vòng tố tụng khi ông bước qua lằn ranh của pháp luật.

Dự kiến, ngày 12/11, TAND tỉnh Phú Thọ sẽ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Hóa và các đồng phạm về những tội danh: "Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn, rửa tiền, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

HĐXX gồm 5 người, 2 thẩm phán chính, 3 hội thẩm nhân dân. Trong đó thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa là bà Nguyễn Thị Thùy Hương - Chánh tòa kinh tế (TAND tỉnh Phú Thọ), 4 kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ sẽ thực hành quyền công tố tại tòa.

Ngoài ra, phiên sơ thẩm còn có một thẩm phán dự khuyết, 2 hội thẩm nhân dân dự khuyết và hai thư ký phiên tòa dự khuyết. Phiên tòa có sự tham gia của 92 bị cáo, 33 luật sư, một bị hại, 73 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, 14 người làm chứng và 3 điều tra viên của cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh Phú Thọ).

Trong số 33 luật sư có 30 luật sư bào chữa các bị cáo, 3 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam và Tổng công ty viễn thông Mobifone; Công ty cổ phần thanh toán điện tử.

Tác giả: Hà Châu

Nguồn tin: giadinh.net.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok