Kinh tế

Cổ phiếu ngân hàng mất giá, chứng khoán tiếp tục giảm

Chốt phiên giao dịch ngày đầu tháng (1/8), các chỉ số niêm yết trên cả hai Hà Nội và TP.HCM sàn tiếp tục trượt giảm. Nhóm cổ phiếu lớn và ngân hàng đồng loạt mất giá được xem là nguyên nhân chính.

Khởi động phiên giao dịch đầu tuần của tháng mới, thị trường chứng khoán trong nước đã phát đi tín hiệu khá tích cực khi đồng loạt tăng ngay từ khi mở cửa. Tuy nhiên, đà tăng này nhanh chóng bị chặn lại sau hơn 1 giờ giao dịch.

Tâm lý thận trọng lại tái diễn khiến hoạt động bán tháo quay trở lại. Nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn tiếp tục phân hóa giữa hai đà tăng và giảm. Giao dịch giằng cho trong suốt những phút cuối của đợt làm việc buổi sáng.

Tạm chốt đợt làm việc buổi sáng, chỉ số Vn-Index bên sàn TP.HCM đã tăng 0,33 điểm, tương đương 0,03%, lên 956,72 điểm. Toàn thị trường có 129 mã tăng và 141 mã giảm, Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 119,5 triệu đơn vị, giá trị 2.465,79 tỷ đồng.

Bên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index cũng tăng nhẹ 0,13 điểm, tương đương 0,12%, lên 106,29 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 28,46 triệu đơn vị, giá trị 357,87 tỷ đồng.

Ảnh minh họa

Bước sang đợt làm việc buổi chiều, các chỉ số đã nhanh chóng đi xuống trước đà bán tháo của giới đầu tư. Giao dịch rơi vào trạng thái bi quan, khi số cổ phiếu lao dốc chiếm áp đảo trên bảng điện tử.

Theo dõi trong phiên giao dịch hôm nay, nhiều cổ phiếu có vốn hóa lớn và ngân hàng đã bị bán ra và chìm trong sắc đỏ. Đây được xem là nguyên nhân chính khiến các chỉ số lao dốc khi chốt phiên làm việc.

Cụ thể, ở nhóm cổ phiếu lớn, BVH giảm 100 đồng; HCM giảm 1.100 đồng; HOT giảm sàn 2.200 đồng; PNJ giảm 2.500 đồng; SAB giảm 500 đồng; REE giảm 800 đồng; YEG giảm 1.500 đồng…

Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, CTG giảm 400 đồng/cổ phiếu; EIB giảm 50 đồng/cổ phiếu; MBB giảm 350 đồng/cổ phiếu; TPB giảm 500 đồng/cổ phiếu; ACB giảm 300 đồng/cổ phiếu…

Khép lại phiên giao dịch đầu tháng bên sàn TP.HCM, chỉ số Vn-Index đã giữ ở mốc 952,77 điểm, giảm 3,62 điểm, tương đương 0,38 %. Khối lượng giao dịch đạt 202 triệu đơn vị, giá trị 4.462 tỷ đồng. Toàn thị trường có 126 mã tăng giá, 47 mã đứng giá và 169 mã giảm giá.

Chỉ số VN30-INDEX giữ ở mức 939,31 điểm, giảm 5,07 điểm, tương đương 0,54%. Khối lượng giao dịch đạt 46 triệu đơn vị, giá trị tương đương là 1.826,6 tỷ đồng. Toàn thị trường có 9 mã tăng giá, 4 mã đứng giá và 17 mã giảm giá.

Bên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-INDEX giữ ở mức 105,56 điểm, giảm 0,6 điểm, tương đương 0,56 %. Khối lượng giao dịch đạt 47,1 triệu đơn vị, giá trị tương đương là 612,761 tỷ đồng. Toàn thị trường có 59 mã tăng giá, 59 mã đứng giá và 92 mã giảm giá.

Chỉ số HNX30-INDEX giữ ở mức 189,03 điểm, giảm 1,32 điểm, tương đương 0,70%. Khối lượng giao dịch đạt 30 triệu đơn vị, giá trị tương đương là 514,350 tỷ đồng. Toàn thị trường có 59 mã tăng giá, 59 mã đứng giá và 92 mã giảm giá.

Theo nhận định của Công ty chứng khoán Vietcombank – VCBS, thanh khoản tích cực trong thời gian gần đây cho thấy sự chú ý của dòng tiền đã quay trở lại với thị trường. Tuy nhiên, sự phân hóa giữa các nhóm ngành và các cổ phiếu trong cùng ngành cũng bắt đầu xuất hiện.

“Chúng tôi cho rằng đây là giai đoạn nhà đầu tư nên ưu tiên tìm kiếm các cơ hội đầu tư trong giai đoạn nửa cuối năm nay theo "câu chuyện" cụ thể của từng doanh nghiệp, đồng thời cũng cần chú ý đến sự vận động của dòng tiền để tối ưu hóa hiệu quả đầu tư trong ngắn hạn”, Công ty chứng khoán Vietcombank – VCBS khuyến nghị.

Tác giả: Minh Ngọc

Nguồn tin: Báo VnMedia

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok