Đẹp

Chuyên gia bóc mẽ mẹo đắp lá trầu không trị nám nhanh

Vì muốn “trắng thần tốc, trắng bất ngờ”, không ít chị em tin lời quảng cáo đắp lá hoặc sản phẩm từ lá trầu không để làm đẹp da và lãnh chịu hậu quả khôn lường.

Bác sĩ Hoàng Văn Tâm - Phó trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Da liễu Trung Ương (Bộ môn Da liễu, Đại học Y Hà Nội) cho biết, thời gian vừa qua, ông gặp không ít bệnh nhân nhập viện vì chịu tổn thương da đen, trắng xen kẽ nhau khi tự ý sử dụng lá trầu không hoặc các sản phẩm từ lá này.

Những bệnh nhân này nghe theo lời mách, hoặc tin quảng cáo mà sử dụng các sản phẩm trên với hy vọng có thể đánh tan vết nám, rám má, tàn nhan… mơ ước sở hữu làn da trắng hồng như “thiên thần”. Nhưng chỉ sau một thời gian sử dụng, thứ mà họ nhận thực sự là một cơn “ác mộng”.

Theo lời kể của một bệnh nhân 50 tuổi, chị được người thân quen giới thiệu đắp sản phẩm làm từ lá trầu không của người dân tộc Dao để trị nám má. Sản phẩm dùng trong 3 năm.

Thời gian đầu, chỉ sau tuần đầu đắp sản phẩm, da chị trắng lên rất đẹp. Và quả thực chỉ sau khi đắp 1 tháng, da chị trắng hồng lên trông thấy, trông khá tự nhiên.

Bệnh nhân

Bệnh nhân trước và sau khi được các sĩ điều trị các tổn thương da do sử dụng sản phẩm từ lá trầu không trị nám. (Ảnh: Bác sĩ cung cấp)

Tuy nhiên, sau khi ngừng đắp, phần nám má trước đó của chị xuất hiện trở lại, thậm chí còn nặng hơn trước. Lúc này, để điều trị, chị bắt đầu có tâm lý muốn dùng lại thuốc. Mọi việc cứ tiếp diễn như vậy trong suốt 3 năm qua, chị liên tục bỏ rồi dùng lại sản phẩm làm đẹp kể trên.

Thời gian gần đây, mặt chị bắt đầu xuất hiện những đốm trắng, đốm đen loang lổ theo từng chấm. Chị vẫn tiếp tục dùng thuốc nhằm “vớt vát” với hi vọng đó chỉ là những phản ứng bình thường.

Nhưng càng cố gắng sử dụng, tình trạng bệnh của chị ngày càng trầm trọng hơn, khó kiểm soát. Quá lo lắng, chị mới đến thăm khám và điều trị tại Bệnh viện Da liễu Trung ương.

Tại đây, sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ nhận thấy toàn bộ da mặt của bệnh nhân là màu đen xen kẽ chẫm trắng giảm sắc tố. Theo nhận định ban đầu, bác sĩ nghĩ ngay đến bệnh giảm sắc tố kiểu rắc hoa giấy (ảnh hưởng do tác dụng phụ của sản phẩm từ lá trầu không).

Một trường hợp khác là bệnh nhân đến từ Hải Dương, lại chính là người đã giới thiệu về người phụ nữ 50 tuổi ở trên sử dụng sản phẩm từ lá trầu không. Người này nhập viện vì làn da của chị trắng như bạch biến.

“Bệnh nhân bị nám má, cách đây khoảng một năm, chị đến một cơ sở spa bôi thuốc, đắp thuốc được làm từ lá trầu không. Thời gian đầu, da bệnh nhân rất đẹp nhưng càng về sau, làn da lại càng xuống cấp.

Chỉ sau 3 tháng từ khi sử dụng những sản phẩm từ lá trầu không, bệnh nhân bị giảm toàn bộ sắc tố da và vùng nang lông. Thậm chí, toàn bộ mặt trắng như da bị bạch biến.

"Chúng tôi nhận định, bệnh nhân bị giảm sắc tố trên một vùng mặt, với đặc điểm tổn thương giảm sắc tố, viêm da tiếp xúc giảm sắc tố liên quan đến chất tẩy tương tự chất trong lá trầu không”, BS Tâm nói.

Lật tẩy “thần dược” trầu không

Theo BS Hoàng Văn Tâm, trong lá trầu chứa phenolic compounds có cơ chế ức chế sản xuất melanin và lột da nên có tác dụng làm trắng da nhanh. Nhóm này bao gồm benzen, phenol, catechol, hydroquinone. Nếu dùng lâu dài, thuốc sẽ làm mất hoàn toàn màu da tạo thành hình ảnh giảm sắc tố hình chấm trên nền tăng sắc tố.

Bên cạnh đó, tác dụng giảm sắc tố của những chất này cũng sẽ tự mất đi theo thời gian giống như sử dụng hydroquinone trong điều trị rám má, tăng sắc tố sau viêm.

 Bác sĩ Tâm thăm khám cho bệnh nhân

Bác sĩ Tâm thăm khám cho bệnh nhân. (Ảnh: Phạm Quý)

Bác sĩ Tâm cho biết, phản ứng viêm của bệnh nhân sau khi sử dụng đắp lá trầu không hoặc các sản phẩm từ lá trầu không được chia làm 3 giai đoạn.

Giai đoạn đầu, nhờ nhiều hoạt chất tác dụng cùng lúc nên bệnh nhân trắng sáng nhanh, chỉ 3 - 7 ngày, muộn nhất là 2 tuần là có làn da rất đẹp. Tuy nhiên, do cơ chế lột da, nên ở giai đoạn này, sau khi dùng vài ngày bệnh nhân sẽ cảm thấy da bị ngứa, đỏ, bong tróc khá khó chịu.

Tiếp đó là khoảng thời gian một tháng từ khi sử dụng, giai đoạn thứ 2, bệnh nhân sẽ bị tăng sắc tố gây đen da.

Ở giai đoạn 3, người sử dụng hoạt chất này có thể gặp triệu chứng giảm sắc tố trên nền tăng sắc tố, với biểu hiện da đen trắng từng chỗ, từng đốm nhỏ, loang lổ, trông rất khó coi. Lúc này, bệnh nhân mới tìm đến sự trợ giúp của các bác sĩ.

“Nếu da bệnh nhân bị tăng sắc tố sau viêm ở thượng bì, khả năng điều trị khỏi là rất cao, vì tổn thương chưa ăn sâu. Tuy nhiên, nếu bị tăng sắc tố ở trung bì, việc điều trị sẽ rất khó khăn và dai dẳng”, bác sĩ Tâm nói.

Bác sĩ Tâm cũng cho biết, để điều trị cho các bệnh nhân bị biến chứng của phenol (chất có trong lá trầu không có tác dụng tẩy nhanh, làm trắng thần tốc), các bác sĩ sẽ phải giải quyết tình trạng tăng - giảm sắc tố cho bệnh nhân, có thể bằng thuốc bôi, chiếu tia UVB…

Thông thường, mất khoảng một năm để làn da của bệnh nhân có thể phục hồi. Tuy vậy, với các trường hợp nặng, điều trị không hiệu quả cần điều trị bằng công nghệ cao hơn, có khi phải ghép da, ghép tế bào…

Từ tình trạng trên, bác sĩ Tâm khuyến cáo tất cả các phương pháp trị bệnh, làm đẹp đều phải được chứng minh bằng cơ sở khoa học và được cấp phép theo đúng quy định. Bởi vậy, chị em phụ nữ nên tuyệt đối tin tưởng vào phương pháp điều trị đúng theo liệu trình của các bác sĩ chuyên khoa.

Chị em không nên nghe lời quảng cáo, đồn thổi về những sản phẩm không rõ nguồn gốc, chưa được cấp phép lưu hành để làm đẹp nhằm tránh những hệ quả đáng tiếc.

“Nhiều người có thói quen ăn trầu cũng dẫn đến việc giảm sắc tố vùng khoang miệng. Hay ở một số loại thuốc nhuộm tóc kém chất lượng có pha hoạt chất phenol cũng có thể gây triệu chứng tương tự.

Mọi người cần hết sức cảnh giác, tỉnh táo trước những lời chào mời, mách nước đường mật để khỏi tiền mất, tật mang”, bác sĩ Tâm nhấn mạnh.

Tác giả: PHẠM QUÝ

Nguồn tin: Báo VTC NEWS

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok