Kinh tế

Chứng khoán phái sinh lên ngôi

Lợi nhuận từ hợp đồng phái sinh không phụ thuộc vào một chiều tăng hay giảm, mà đến từ biên độ dao động và việc dự đoán xu hướng.

Trong khi thị trường cơ sở ngày càng đìu hiu khi VN-Index đã giảm mạnh so với mức đỉnh, thì thị trường phái sinh liên tiếp lập kỷ lục về thanh khoản nhờ biến động mạnh của chỉ số và lợi thế giao dịch hai chiều.

Trong 4 phiên gần nhất, khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai đều trên 80.000 hợp đồng. Trong đó giá trị giao dịch mỗi phiên theo quy mô danh nghĩa đều đạt trên 8.000 tỷ đồng, hơn gấp đôi thanh khoản thị trường cơ sở và là mức cao nhất từ trước đến nay. Ở chiều ngược lại, đã gần hết tháng 5 nhưng thanh khoản của sàn HoSE đến nay mới đạt hơn 62.000 tỷ đồng, bằng 57% so với tháng 4 và chưa tới một nửa so với trước đó 3 tháng.

Thanh khoản của thị trường phái sinh liên tục tăng mạnh.

Thị trường phái sinh bắt đầu hoạt động từ tháng 8/2017 với sản phẩm duy nhất hiện tại là hợp đồng tương lai chỉ số VN30-Index, cùng sự tham gia của 8 công ty chứng khoán.

So với thị trường chứng khoán cơ sở, hàng hóa trên thị trường phái sinh không phụ thuộc vào tổ chức phát hành, mà phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư với sự vận động của thị trường trong tương lai, cụ thể là chỉ số VN30-Index. Nói cách khác, nhà đầu tư sẽ mở vị thế mua (long) khi đánh giá chỉ số VN30 sẽ tăng trong tương lai, hoặc mở vị thế bán (short) nếu kỳ vọng chỉ số này đi xuống.

Tuy nhiên, sự hấp dẫn của phái sinh ngoài yếu tố trên, còn nằm ở tỷ lệ đòn bẩy rất cao và cơ chế hạch toán lãi lỗ ngay trong phiên.

Nhà đầu tư ban đầu chỉ cần ký quỹ 10% giá trị để có thể giao dịch. Đơn cử như giá trị mỗi hợp đồng hiện tại tính theo chỉ số VN30 là 93,6 triệu đồng thì chỉ cần duy trì số dư tài khoản 9,36 triệu để mua một hợp đồng. Ngay trong phiên giao dịch, nhà đầu tư có thể mở và đóng vị thế, đồng thời ghi nhận ngay lợi nhuận. Trong khi với thị trường cơ sở hiện tại, thời gian giao dịch vẫn là T+3.

Trong bối cảnh thị trường cơ sở rơi vào xu hướng giảm và biến động mạnh trong phiên, chứng khoán phái sinh đang trở thành kênh đầu tư hấp dẫn, nhờ phát huy lợi thế giao dịch hai chiều để tạo thêm cơ hội. Nói cách khác, dù chỉ số giảm hay tăng, nhà đầu tư đều có thể kiếm lời nếu dự báo đúng xu hướng. Mức lợi nhuận càng lớn nếu biến động càng nhanh.

Chứng khoán phái sinh đang trở thành kênh đầu tư được yêu thích, vượt qua thị trường cơ sở.

Kể từ đầu năm, thị trường cơ sở đã trải qua hai đợt giảm mạnh vào tháng 2 và tháng 4, đây cũng là những giai đoạn chứng khoán phái sinh lên ngôi với thanh khoản tăng đột biến.

Trong đợt giảm tháng 4, giá trị giao dịch của thị trường phái sinh đã tăng gấp 3 lần từ mức bình quân hơn 2.000 tỷ hồi đầu tháng lên mức 6.000 tỷ đồng, đạt đỉnh với giá trị 7.100 tỷ trong phiên ngày 3/5. Đến cuối tháng 5, thanh khoản của thị trường phái sinh thậm chí lên hơn 8.400 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần thị trường cơ sở, với khối lượng hợp đồng giao dịch tăng vọt.

Tuy nhiên, sức hấp dẫn của thị trường phái sinh giai đoạn này không nằm ở vai trò phòng vệ rủi ro, mà là kênh đầu tư ngắn hạn thay thế thị trường cơ sở. Điều này thể hiện ở thực tế khối lượng giao dịch tăng mạnh, nhưng khối lượng hợp đồng mở không tăng và duy trì tỷ lệ thấp. Đa phần các hợp đồng tương lai được đóng vị thế ngay trong phiên.

Biến động giá hợp đồng VN30F1806 - hợp đồng tương lai chỉ số VN30 chốt ngày 18/6, trong phiên giao dịch 25/5.

Với tỷ lệ đòn bẩy cao hơn rất nhiều thị trường chứng khoán (1:5 so với 1:1) và diễn biến chỉ số gần đây biến động mạnh trong phiên, kênh đầu tư này được đánh giá còn "khốc liệt"gấp nhiều lần thị trường cơ sở.

Như phiên giao dịch ngày 24/5, sau 14h chiều, giá trị hợp đồng tương lai VN30 giao tháng 6 có nhịp biến động mạnh. Hợp đồng VN30F1806 sau khi đạt đỉnh hơn 972 điểm đã rơi về dưới 950 chỉ trong hơn 10 phút. Nếu nhà đầu tư mở vị thế bán (short) ở khoảng 971 - 972 và đóng vị thế tại 949 - 951, mức lợi nhuận trong 10 phút giao dịch có thể đạt gần 15%.

Tuy nhiên, lợi nhuận luôn đi kèm với rủi ro. Chỉ cần đoán sai xu hướng và mở vị thế không đúng, khoản lỗ sẽ khuếch đại tương ứng với tỷ lệ đòn bẩy. Cũng sau 14h chiều ngày 24/5, nếu nhà đầu tư dự đoán đáy trong khoảng 958 - 960 và mở vị thế mua (long), khi giá trị hợp đồng VN30F1806 về dưới 950 điểm và cắt lỗ, "bay" 10% chỉ trong 10 phút cũng không phải khó xảy ra.

Hoặc như phiên giao dịch ngày 25/5, tính riêng nhịp rơi cuối phiên trong khoảng 30 phút với biên độ gần 30 điểm, nhà đầu tư có thể lãi gần 30% nếu phán đoán đúng, nhưng cũng có thể mất tương đương nếu dự báo sai xu hướng.

Tác giả: Minh Sơn

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: chứng khoán

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok