Trong nước

“Chủ tịch tỉnh không chịu tiếp dân thì… rời ghế đi!”

“Việc của lãnh đạo chính quyền là việc với dân chứ không chỉ là việc với cơ quan này cơ quan khác, đi thăm chỗ nọ chỗ kia nên nếu một năm mà ông Chủ tịch không thực hiện được nhiệm vụ tiếp dân thì anh phải rời ghế đi…” - Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim, nguyên Tổng Thư ký UB Trung ương MTTQ Việt Nam nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 14/11

- Thảo luận về việc giải quyết khiếu nại tố cáo tại Quốc hội sáng nay, 14/11, nhiều đại biểu đề cập tình trạng các cấp lãnh đạo lười tiếp dân, né tránh việc đối thoại với người dân, thậm chí có nhiều tỉnh cả năm Chủ tịch tỉnh không tiếp dân lần nào. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- Theo tôi, cần siết các biện pháp hành chính của cấp trên đối với cấp dưới, kiểm điểm, khắc phục trình trạng lãnh đạo các cấp chính quyền không tiếp công dân. Bởi nếu kéo dài tình trạng này thì dẫn đến việc tâm tư, nguyện vọng của nhân dân không được giải quyết.

Đơn thư của công dân cần được phân loại, cái nào đúng, cái nào không đúng, đúng thì phải giải quyết, không đúng thì cũng phải trả lời, nói đầy đủ cho dân hiểu. Chứ cứ né tránh, chuyển đơn thư lòng vòng để làm gì.

- Chủ tịch UBND các cấp thường viện dẫn lý do là bận quá nên không sắp xếp được lịch tiếp công dân?

- Không thể nói như vậy được. Mảng hành chính nhà nước chính là công việc phải giải quyết với người dân vì cán bộ chính quyền là người phục vụ cho đời sống mọi mặt của người dân. Chỉ có lãnh đạo UBND là người đưa ra các quyết định hành chính để giải quyết các vấn đề theo chức năng, thẩm quyền của mình liên quan đến lợi ích, nguyện vọng của người dân theo pháp luật.

Đời sống mọi mặt của xã hội, của người dân hàng ngày đều liên quan đến pháp luật, từ việc khai sinh, khai tử, làm nhà, quản lý đất đai… đều liên quan đến chính quyền. Người dân có quyền đề nghị, yêu cầu lãnh đạo giải quyết đúng thẩm quyền và đúng pháp luật.

- Nói nguyên tắc thì đúng vậy. Nhưng đơn cử như vụ Thủ Thiêm, thực tế người dân đã “đi kiện” suốt hai thập kỷ, vừa rồi, phải bao nhiêu cơ quan vào cuộc thì mới làm lộ ra bao nhiêu vấn đề. Ngay khi phiên thảo luận này đang diễn ra tại Quốc hội, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đang phải tiếp dân lần thứ 3 để tháo gỡ các nút thắt… Chuyện tiếp dân ở đây cho thấy điều gì, thưa ông?

- Cho nên việc xin lỗi như vừa qua của lãnh đạo TPHCM là một hành động văn minh, lịch sự trước người dân. Nhưng có xin lỗi nhiều lần thì cũng cần phải bắt tay vào giải quyết cho dứt điểm. Anh phải bám vào cái sai, rà vào chính sách pháp luật để mà sửa sai, đảm bảo quyền lợi của người dân.

Trong chuyện Thủ Thiêm, có những việc giải quyết được, có những việc bất khả kháng thì lãnh đạo chính quyền cũng phải giải thích với người dân, phải có lựa chọn phù hợp. Chuyện xảy ra 20 năm rồi, có những việc không thể “đi” lại từ đầu. Những cái sai thì đã sai rồi, bây giờ việc giải quyết là chữa cháy mà chữa cháy sao để phải có đa số người dân ủng hộ.

- Nhiệm vụ tiếp dân, thực tế đã được luật định. Theo quy định của luật Tiếp công dân, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải tiếp dân ít nhất mỗi tháng một lần, Chủ tịch UBND cấp huyện thì 2 tuần/lần, Chủ tịch UBND cấp xã ít nhất mỗi tuần một lần. Các cấp chính quyền cũng phải công khai lịch tiếp công dân. Tuy nhiên, theo báo cáo của UB Thường vụ Quốc hội, tỷ lệ lãnh đạo chính quyền các cấp tiếp dân đúng pháp luật rất hạn chế, tiếc là luật lại không quy định chế tài với những trường hợp vi phạm?

- Chế tài chính là đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo. Nếu một năm mà anh không thực hiện được việc đó thì anh phải rời ghế đi. Công việc của anh là công việc với dân mà anh không làm được thì nên nghỉ.

Việc của lãnh đạo chính quyền là việc với dân chứ không chỉ là việc với cơ quan này cơ quan khác, đi thăm chỗ nọ chỗ kia. Đối tượng làm việc chính của mỗi cán bộ chính quyền là với dân. Nội dung công việc chính của Chủ tịch UBND các cấp là với dân, là về đời sống của người dân. Anh không thể nói là bận công việc với cơ quan này cơ quan khác.

Vậy nên đã là cán bộ lãnh đạo, phải dành thời gian cho dân, gần dân. Không thể nói rằng tôi bận đi làm việc với cơ quan này, cơ quan khác, còn việc dân thì lại bỏ. Đó là do anh không ý thức đúng vấn đề chứ không phải là không sắp xếp được công việc.

- Báo cáo của các cơ quan giám sát của Quốc hội cũng chỉ ra thực tế, không chỉ lười tiếp dân, Chủ tịch UBND các cấp còn né tránh nghĩa vụ tham gia các phiên toà hành chính khi bị dân kiện. Hai vấn đề này dường như có liên hệ trực tiếp với nhau?

- Vừa rồi UB Tư pháp đã tổng kết thế đó. Có tỉnh, thành phố, 100% các vụ án hành chính, người đứng đầu chính quyền không đối thoại, hoà giải, thương lượng với dân và không tham gia phiên toà. Tôi cho rằng nếu Chủ tịch UBND không làm được việc đó thì phải uỷ quyền cho Phó Chủ tịch, chứ không thể uỷ quyền cho cấp tham mưu, cho văn phòng UBND được.

- Vậy theo ông nên có chế tài mạnh hơn cho các vị Chủ tịch UBND như vậy?

- Tốt nhất là ông nên nghỉ đi. Pháp luật quy định như vậy mà ông không làm, ông tránh né, thì ông không nên làm Chủ tịch nữa.

- Xin cảm ơn ông!

Tác giả: P.Thảo

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok