Xã hội

Chó nuôi trong ký túc xá cắn khiến người phụ nữ lao công bị thương nặng

Trong lúc đi qua ký túc xá của Trường trung cấp kỹ nghệ Hà Tĩnh, người phụ nữ lao công của trường này bị con chó nặng 15kg được học viên nuôi lao ra cắn.

Bà Dung hiện đang được điều trị tại bệnh viện với nhiều vết thương - Ảnh: H.L

Theo thông tin ban đầu, sự vệc xảy ra vào lúc 19 gờ ngày 18.4, tại khu ký túc xá của Trường trung cấp kỹ nghệ Hà Tĩnh (phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh).

Vào thời điểm trên, bà Lương Thị Dung (65 tuổi) là lao công của trường này đi qua khu ký túc xá thì bất ngờ bị một con chó lao đến cắn, lôi, xé. Hậu quả, bà Dung bị thương nặng, được học sinh trong trường đưa đến Phòng khám Đa khoa Hồng Hà (thị xã Hồng Lĩnh) cấp cứu trong tình trạng tổn thương nặng vùng trán và ngực, da đầu lóc ra một mảng lớn. Sau đó, do vết thương nặng, nên người nhà đã xin chuyển bà Dung ra bệnh viện ở Nghệ An điều trị.

Con chó cắn bà Dung - Ảnh: G.K

Nhận được tin báo về vụ việc, Công an phường Đậu Liêu (thị xã Hồng Lĩnh) đã đến lập biên bản sự việc, yêu cầu nhà trường bắt nhốt con chó lại để theo dõi.

Theo Công an phường Đậu Liêu, bà Dung là nhân viên lao công hợp đồng của Trường trung cấp kỹ nghệ Hà Tĩnh. Con chó cắn bà Dung là của một học viên lưu trú trong ký túc xá của trường này nuôi.

Trường Trung cấp kỹ nghệ Hà Tĩnh, nơi xảy ra sự việc - Ảnh: G.K

Trước đó, tối 10.4, bé gái 5 tuổi ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) trong lúc đi dạo với mấy người lớn đã bị con chó của hàng xóm lao ra cắn. Một ngày sau khi tấn công nhiều người, con chó trên bị chết.

Tiếp theo, tối 17.4, Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh cũng tiếp nhận một bệnh nhi 4 tuổi trong tình trạng nhiều vết thương chảy máu ở vùng đầu và mặt do bị chó nhà cắn.

Bác sĩ khuyến cáo, khi bị chó cắn cần sơ cứu đúng cách và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế đủ điều kiện để cấp cứu kịp thời.

Đặc biệt, không vì tức giận mà đánh hoặc giết chết chó mà phải cho nó ăn uống và theo dõi sát tình trạng sức khỏe. Trong vòng 10 - 15 ngày, nếu con chó cắn người có các dấu hiệu như bỏ ăn, ốm, mất tích hay chết thì phải lập tức đưa bệnh nhân đi tiêm phòng dại.

Đối với những trường hợp vết thương phức tạp, gần thần kinh trung ương thì cần phải sớm tiêm phòng dại và theo dõi con chó trong suốt 10 – 15 ngày. Nếu con chó đó bình thường thì mới ngừng tiêm.

Tác giả: Quang Cường

Nguồn tin: Báo Một thế giới

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok