Thế giới

Chiếc vali hạt nhân luôn theo sát Tổng thống Putin

Tổng thống Putin là một trong ba người nắm giữ thiết bị ra lệnh đáp trả trong trường hợp Nga bị tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Putin xuống chuyên cơ tại sân bay Đà Nẵng.

Chuyên cơ của Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay đáp xuống sân bay Đà Nẵng, đưa nhà lãnh đạo Nga tới tham dự hội nghị APEC 2017. Trong đoàn tùy tùng của ông Putin luôn có một người mang theo chiếc vali hạt nhân theo sát Tổng thống, nhằm đảm bảo khả năng trả đũa hạt nhân của Nga vào bất cứ thời điểm nào.

Ở Mỹ, tổng thống là người duy nhất được quyền tiếp cận và sử dụng "quả bóng hạt nhân", chiếc vali chứa những công cụ cần thiết để phát động một cuộc tấn công hạt nhân. Trong khi đó, ở Nga lại có tới ba người sở hữu những chiếc vali thực hiện vai trò tương tự.

Ba chiếc vali này có tên gọi là Cheget, một thành phần quan trọng của hệ thống tự động hóa mệnh lệnh tối cao và kiểm soát lực lượng hạt nhân chiến lược Nga, do Tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng quân đội nắm giữ, theo Foreign Policy.

Liên Xô tạo ra hệ thống chỉ huy và kiểm soát hạt nhân vào thời kỳ đỉnh điểm Chiến tranh Lạnh đầu thập niên 1980. Ba chiếc vali hạt nhân được đưa vào trạng thái trực chiến khi ông Mikhail Gorbachev trở thành lãnh đạo Liên Xô năm 1985. Sau đó, chúng được chuyển giao cho cựu tổng thống Boris Yeltsin và sau này là Tổng thống Nga Putin.

Tổng thống Putin nhận vali Cheget tại Điện Kremlin năm 2012. Ảnh: AFP.

Vali Cheget nặng khoảng 11 kg, được các sĩ quan tháp tùng tổng thống Nga luôn mang theo bên mình. Nó cung cấp thông tin cảnh báo sớm cho về mọi cuộc tấn công hạt nhân trên toàn cầu, trở thành biểu tượng cho quyền lực của người đứng đầu nước Nga.

Trong lịch sử nước Nga sau thời Liên Xô, chỉ có một lần Cheget nằm trong quyền kiểm soát của thủ tướng Nga, đó là khi ông Yeltsin phẫu thuật tim năm 1996. Trong thời kỳ Tổng thống Putin nắm quyền từ năm 2000 đến 2008, không có thông tin nào về việc Cheget được trao cho thủ tướng khi ông công du nước ngoài.

Về cơ bản, Cheget là thiết bị liên lạc đầu cuối, cung cấp thông tin cho người sử dụng về vụ tấn công có thể xảy ra, cho phép ba người nắm giữ chúng tham vấn với nhau trước khi ra quyết định. Bên trong mỗi vali là một thiết bị di động kết nối với mạng lưới chỉ huy và kiểm soát lực lượng hạt nhân chiến lược Nga.

Bên trong một vali Cheget đã loại biên. Ảnh: Wikipedia.

Vali kết nối với hệ thống phụ mang tên Kavkaz, gồm cáp tín hiệu, thiết bị truyền tin vô tuyến và vệ tinh. Trong trường hợp xảy ra một vụ tấn công hạt nhân nhằm vào Nga, ba chiếc vali hạt nhân trang bị hệ thống điện tử sẽ báo động tức thời cho những người giữ chúng.

Bản thân vali Cheget không chứa nút bấm để phát động tấn công hạt nhân, nó chỉ đóng vai trò là thiết bị truyền mệnh lệnh phóng tên lửa tới quân đội. Nếu Tổng thống Nga quyết định phát động đòn tấn công hạt nhân trả đũa, Cheget sẽ truyền thông điệp tới thiết bị nhận Bakan tại sở chỉ huy của tổng tham mưu trưởng, lực lượng tên lửa, hải quân và không quân thông qua mạng lưới liên lạc Kazbek.

Khi nhận được tín hiệu, sĩ quan trực chiến của lực lượng hạt nhân chiến lược sẽ dùng mã riêng để xác nhận đó là quyết định do Tổng thống đưa ra, đồng thời thiết lập đường dây nóng liên hệ với Tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng. Sau khi được xác nhận, mệnh lệnh khai hỏa vũ khí hạt nhân mới được thực thi.

Ngay cả trong tình huống tồi tệ nhất là những người nắm giữ Cheget không thể ra lệnh, Nga vẫn duy trì khả năng trả đũa hạt nhân nhờ hệ thống trực chiến Perimeter, hoạt động song song với Cheget.

Hệ thống Perimeter được kích hoạt khi toàn bộ giới lãnh đạo Nga bị vô hiệu hóa trong một cuộc tấn công phủ đầu. Khi đó, quyết định đáp trả hạt nhân sẽ do một nhóm sĩ quan sống sót dưới hầm ngầm đưa ra. Perimeter được coi là phương án răn đe cuối cùng của Nga, nhằm đảm bảo không đối thủ nào dám sử dụng vũ khí hạt nhân để đánh phủ đầu nước này.

Tác giả: Tử Quỳnh

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok