Giáo dục

Chi nghìn tỷ mua SGK dùng 1 lần: Dân ta còn nghèo

Việc in bài tập trực tiếp vào SGK để buộc học sinh vào thế năm nào cũng phải mua mới là việc không bình thường, không tốt.

Nên xóa bỏ độc quyền in SGK

Trước thực trạng, mỗi năm người Việt chi 1000 tỷ đồng mua sách giáo khoa (SGK), chủ yếu chỉ để dùng 1 lần, PGS.TS Phạm Quý Hiệp - Viện trưởng Viện Nghiên cứu hỗ trợ phát triển nông thôn, vô cùng xót xa.

Chia sẻ với Đất Việt, ông nói: "Chúng ta chỉ có thể thay đổi giáo án hàng năm của giáo viên, thay đổi vở bài tập của học sinh, chứ còn bắt buộc mua SGK hàng năm là tôi không đồng tình. Tất nhiên, phải có sự sửa đổi, phát triển nhưng ít nhất phải 4-5 năm một lần.

Trước đây, chúng tôi vẫn chuyền tay nhau học lại một cuốn sách đến khi nhàu nát không dùng được nữa thì thôi. Nếu có sự thay đổi thì sẽ được điều chỉnh ngay dưới chân trang sách, bài tập làm trực tiếp vào vở bài tập riêng hoặc làm vào vở đi học".

Cũng theo ông Hiệp, hiện nay mỗi lớp có mười mấy môn học đi kèm với đó là SGK, sách bài tập, sách nâng cao...mỗi năm Nhà xuất bản bán ra lượng sách khổng lồ, thu về lợi nhuận cao, nên hoàn toàn có thể đặt ra câu hỏi, việc in bài tập trong SGK để phụ huynh năm nào cũng phải mua sách cho con có phải chiến lược bán SGK của NXB hay không?.

Và chúng ta hoàn toàn có thể cho tư nhân tham gia vào quá trình in SGK để chấm dứt chuyện độc quyền in sách hiện nay.

Không nên in SGK dùng 1 lần

Các nước hiện nay vẫn làm như vậy, nhà nước chỉ đưa ra chủ trương, mỗi bang, mỗi vùng nhà nước chỉ được chiếm 30%, còn lại là tư nhân tham gia vào, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, giá thị trường tốt nhất cho người tiêu dùng.

"Tôi rất bức xúc khi bên NXB kêu lỗ, doanh thu thu về không cao, bởi vì, không nhà in sách nào làm ăn lại lỗ. Bởi vì, hàng năm, các nhà sách, các địa phương, các trường học sẽ đặt đơn số lượng cụ thể, với tư duy kinh doanh họ chỉ in thừa, chứ không in thiếu, cho nên chưa bao giờ tồn đọng hay thiếu.

Điều này được thể hiện rõ qua con số lợi nhuận tăng chứ không giảm theo từng năm của NXB giáo dục.

Tại sao lại có kiểu kinh doanh lỗ thì kêu, lãi thì giấu tồn tại như vậy. Tôi từng xuất bản một cuốn sách lịch sử tư nhân của mình in ở NXB tư nhân rẻ hơn gần một nửa NXB nhà nước, trong khi họ vẫn lãi, để thấy doanh thu tiềm năng của NXB SGK hiện nay, khi không ai mặc cả mua sách", ông Hiệp nói thêm.

Gây dựng phong trào dùng sách tiết kiệm

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, GS.TS Phạm Minh Hạc - Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, việc in bài tập trực tiếp vào SGK để buộc học sinh vào thế năm nào cũng phải mua mới là việc không bình thường, không tốt, một bộ sách trên thế giới chu kỳ dùng khoảng 8-10 năm, Việt Nam trước đây là 20 năm, nhưng giờ lại kéo ngắn chu kỳ chỉ 1 năm là khó chấp nhận, quá lãng phí.

Lãng phí nhiều mặt về vật liệu, giấy in, tiền của phụ huynh, trong khi, kinh tế của người dân rất khác nhau, từ người giàu đến người nghèo là rất nhiều tầng bậc, tôi chỉ lo cho những người vùng miền khó khăn, người nghèo. Nhưng ở nước ta bao nhiêu người giàu, chỉ 5%, trong khi các nước có tới 20% là giới thượng lưu, trung lưu, thương lưu, đời sống vô cùng cao.

Hãy nhìn lên hình ảnh các trẻ em nghèo vùng núi, vùng bão lũ, sách vở không có mà học, huống chi mua mới hàng năm, cho nên, nhìn thấy viễn cảnh đang xảy ra tôi rất buồn.

"Với hoàn cảnh kinh tế như của Việt Nam thì SGK phải được dùng nhiều năm, vì hiện tại SGK được mặc định bao gồm cả sách thực hành, sách vở bài tập, cả một bộ, nên thành ra sách nào cũng dùng 1 lần thì cả năm phải bỏ đi một bộ sách. Mong muốn của tôi nhiều năm trước đây vẫn là như vậy, vì những người thiếu thốn vẫn còn nhiều lắm.

Cách đây 20 năm ở nước ngoài họ đã áp dụng thử nghiệm in bài tập trực tiếp vào SGK nhưng ngay sau đó đã dừng lại, vì thấy không hiệu quả. Việt Nam thì không nên vì hoàn cảnh kinh tế của chúng ta không đủ điều kiện để thử nghiệm lãng phí như vậy, mà phải nhìn vào các nước mà rút ra bài học kinh nghiệm.

Nhất là khi điều kiện hỗ trợ kinh phí học tập hiện nay còn thấp, ở TPHCM tuyên bố từ năm 2019 trở đi học sinh phổ thông từ lớp 1 tới lớp 9 không phải đóng học phí, nhưng chưa có kết luận cho toàn quốc.

Bình thường, các nước trên thế giới khi tuyên bố phổ cập giáo dục các bậc học bắt buộc thì đồng nghĩa với việc không có học phí. Còn ở Việt Nam, tuyên bố phổ cập giáo dục, bắt buộc mọi người đi học vẫn đóng học phí từ lớp 1 - lớp 12. Ở đây là nói đến trường công, trường tư thục (đang chiếm 16%) thì lại chế độ khác", ông Hạc phân tích.

Cũng theo vị chuyên gia trên, SGK là phục vụ cho nhà trường, còn trường phổ thông thì phải phục vụ chính sách giáo dục của một nước. Cho nên vấn đề ở đây không còn là của riêng một NXB, mà là đường lối phát triển đất nước, trong đó có phát triển giáo dục.

Năm nay đã là năm 2018, chúng ta sẽ bắt đầu chương trình SGK mới từ lớp 1 khóa 2019-2020, nên cần đưa ra một kiến thức nội dung chuẩn để không phải sửa đổi và in lại nhiều lần.

Nhà xuất bản cũng có trách nhiệm trong việc có kế hoạch in ấn chất liệu giấy dày, dai, tốt để không dễ rách, phục vụ cho việc dùng nhiều năm đối với SGK.

SGK và vở bài tập phải thực hiện tách rời nội dung để SGK có thể sử dụng trong nhiều năm. Thậm chí gây dựng phong trào tiết kiệm, dùng lại SGK cũ từ nhà trường, giáo viên phải khuyến khích học sinh giữ gìn sách khi học, khuyến khích học sinh dùng lại sách cũ.

Tác giả: Châu An

Nguồn tin: Báo Đất việt

  Từ khóa: SGK dùng 1 lần , SGK

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok