Trong tỉnh

Cầu sập trong bão khiến 2 người chết: Hai giả thiết

Cần xem lại chất lượng thi công taluy hoặc phần bề mặt cầu Yên Hòa để làm rõ nguyên nhân dẫn vụ việc 2 người chết, 3 người bị thương.

Ngày 5/7/2019, nhận định với Đất Việt về việc cầu Yên Hòa (thuộc xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) bị sụt, lún diện tích lớn mặt cầu khiến 2 người chết, 3 người bị thương, nhiều chuyên gia xây dựng công trình giao thông đặt nhiều dấu hỏi cho chất lượng thi công taluy và bề mặt cầu.

TS Nguyễn Thanh Tùng - Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, theo quy trình thi công cầu thì phần móng là quan trọng nhất. Khi đã dồn, nén móng đủ chắc theo quy chuẩn thì mới làm taluy cầu để tránh tác động từ phía bên ngoài. Taluy có tác dụng làm gia tăng sự ổn định phần móng cầu qua thời gian.

Nếu phần móng cầu không được làm đúng kỹ thuật (được thiết kế dựa trên thực địa và lưu lượng xe đi qua) thì sẽ dẫn tới lún sau thời gian sử dụng. Từ việc lún móng cầu sẽ dẫn tới phá hủy phần taluy và bề mặt cầu.

Cầu Yên Hòa - huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa bị sụp, lún vào đêm ngày 4/7 khiến 2 người chết, 3 người bị thương.

"Cây cầu Yên Hòa ở Thanh Hóa bị sụt, lún sau mưa bão được cơ quan chức năng tỉnh này nhận định nguyên nhân ban đầu là do dòng nước chảy xiết do lưu lượng nước trong bão dâng cao đột ngột khiến taluy cầu bị lở, nước xói vào móng cầu khiến móng cầu bị rỗng, dẫn tới mặt cầu sụt, lún.

Nguyên nhân này cũng có thể xảy ra nhưng đó là với cây cầu đã sử dụng lâu năm. Còn nếu cầu mới được đưa vào sử dụng 4 - 5 năm thì cần phải xem lại chất lượng xây dựng. Thông thường, theo quy chuẩn thì mỗi tuyến đường sẽ có độ bền từ 10 - 15 năm và hàng năm có thêm cả phần bảo trì nên nước không thể dễ dàng làm nở taluy cầu như thế được" - ông Tùng cho biết.

Theo vị chuyên gia này, nếu taluy cầu đã bị rạn nứt trước đó mà không bị phát hiện kịp thời để sửa chữa thì đó cũng có thể là nguyên nhân khiến cho taluy dễ bị lở vì dòng nước chảy xiết.

"Việc này hoàn toàn có thể làm rõ dựa trên tính toán chuyên môn, lưu lượng nước, vận tốc dòng nước đã tác động vào taluy cầu như thế nào tại khoảng thời gian xảy ra vụ việc. Từ đó có thể kế luận được taluy cầu có bị hư hỏng từ trước đó hay không.

Nếu hư hỏng từ trước đó mà không được sửa chữa thì trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý, bảo trì tuyến đường. Bên cạnh đó, cũng có thể xác định móng cầu có được làm đúng tiêu chuẩn hay không bằng cách kiểm tra khu vực xung quanh. Điều này không khó" - ông Tùng nói.

Phần taluy cầu Yên Hòa bị hư hỏng hoàn toàn.

Trong khi đó, TS Nguyễn Xuân Hưng - thành viên Hội KHKT Cầu đường Việt Nam nhìn vào những bức ảnh bề mặt cầu Yên Hòa sau khi sụt, lún đặt ra giả thiết một phần sự cố diễn ra nghiêm trọng cũng có thể là do bề mặt cầu kém chất lượng.

Ông Hưng phân tích: "Bề rộng cầu bị sụt, lún rộng khoảng 4 - 5m, toàn bộ nhịp cầu đấy bị sụt cũng là điểm đáng nghi vấn. Thông thường việc móng cầu bị rỗng thì có thể bề mặt cầu bị rạn nứt, chỉ khi có tác động một lực rất nặng lên bề mặt cầu thì mới khiến nó bị sụt hẳn xuống sông như đã xảy ra tại cầu Yên Hòa.

Ở đây, chỉ có 3 chiếc xe máy đi qua cầu vào thời điểm đó thì chắc chắn không đủ lực tác động lên mặt cầu để có thể sụt, lún toàn bộ bề mặt nhịp cầu và sụt nhanh đến như thế được".

Tuy nhiên, theo ông Hưng, đó cũng chỉ là giả thiết. Bởi lẽ, có thể trước đó đã có những xe trọng tải nặng đi qua cầu tác động rồi cây cầu mới sụt xuống, đến 5 người đi xe máy đã không phát hiện ra và lao xuống hố cầu.

Liên quan đến sự việc, hiện Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã xuống hiện trường kiểm tra để làm rõ nguyên nhân sự việc.

Tác giả: Ngọc Thanh

Nguồn tin: Báo Đất việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok