Giáo dục

Cẩn trọng với các trường có mức nhận hồ sơ xét tuyển thấp nhưng điểm trúng tuyển cao

Năm 2016, điểm sàn xét tuyển đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) ở tất cả các khối do Bộ GD&ĐT quy định là 15 điểm. Tùy vào điều kiện cụ thể, các trường sẽ đưa ra điểm sàn nhận hồ sơ riêng.

Tuy nhiên, do quy chế tuyển sinh năm nay không cho phép rút hồ sơ trong suốt thời gian đăng ký xét tuyển nên thí sinh cần hết sức thận trọng với những trường đưa ra mức điểm sàn nhận hồ sơ thấp hơn nhiều so với điểm trúng tuyển thực tế của các năm trước.

Theo thông báo của ĐH Y Hà Nội, năm 2016, trường nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đối với đối tượng đảm bảo các điều kiện như đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương, tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 tại các cụm thi do các trường ĐH chủ trì tổ chức, có điểm xét tuyển (điểm tổng 3 môn thi + điểm ưu tiên theo khu vực + điểm ưu tiên theo đối tượng) từ 18 điểm trở lên; không có môn thi trong tổ hợp xét tuyển có kết quả dưới 1 điểm. Có đủ sức khỏe để học tập theo quy định hiện hành.

Nếu nhìn vào điều kiện mà trường đưa ra, chắc chắn nhiều thí sinh có điểm xét tuyển trên 18 và không có đủ thông tin sẽ nghĩ rằng, mình có thể có hy vọng khi nộp hồ sơ vào ngôi trường mà mình mơ ước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mức điểm nhận hồ sơ và điểm trúng tuyển vào trường có một khoảng chênh lệch rất lớn.

Đơn cử như năm 2015, điểm trúng tuyển vào ĐH Y Hà Nội ngành Bác sỹ đa khoa là 27,75, Bác sỹ Răng hàm mặt là 27 và các ngành đào tạo cử nhân khác cũng dao động trong khoảng từ 22-25 điểm. Do vậy, các thí sinh cần hết sức lưu ý bởi cơ sở để tham khảo trước khi quyết định nộp hồ sơ xét tuyển không phải làm điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển mà là điểm trúng tuyển vào trường.

Thí sinh tham khảo trước khi nộp hồ sơ xét tuyển.


Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng cho biết, năm 2016, trường sẽ nhận hồ sơ những thí sinh tốt nghiệp THPT, có hạnh kiểm đạt loại khá trở lên, tổng 3 môn theo tổ hợp xét tuyển (tính cả điểm ưu tiên) là 16 điểm. Trong khi đó, năm 2015, điểm chuẩn trường ĐH Sư phạm Hà Nội chỉ có 2 ngành là 16 điểm, các ngành còn lại đều tăng cao, có ngành còn lên tới 27 điểm.

Tương tự, trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng yêu cầu thí sinh có tổng điểm 3 môn thi trong các tổ hợp đăng ký xét tuyển cao hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD&ĐT ít nhất 2 điểm, (tức là 17 điểm); không có môn thi trong tổ hợp xét tuyển có kết quả từ 1 điểm trở xuống.

Dù điểm trúng tuyển năm 2015 vào các ngành tương đối cao, dao động từ 20-24,5 điểm song năm 2016, Học viện Ngoại giao vẫn nhận hồ sơ xét tuyển vào trường bằng với mức điểm sàn của Bộ GD&ĐT là 15 điểm.

Hay như trường hợp của trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, hiện là trường có điểm nhận hồ sơ xét tuyển cao nhất trong số các trường top đầu ở phía Bắc với 20 điểm. Tuy vậy, mức điểm này trên thực tế cũng chênh lệch rất nhiều nếu so với điểm chuẩn trong năm 2015 của trường, khi có những ngành hot của trường điểm chuẩn trên 27 điểm.

Liên quan đến việc một số trường ĐH có tiếng, có điểm trúng tuyển cao nhưng lại đưa ra điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển chỉ bằng hoặc cao hơn vài điểm so với điểm “sàn” của Bộ GD&ĐT, PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT cho rằng: Việc quyết định mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển là do các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm trên cơ sở tính toán của các trường nhằm đảm bảo an toàn nguồn tuyển.

Các trường công bố điểm nhận hồ sơ xét tuyển bằng mức điểm “sàn” của Bộ quy định là không sai, cũng không vi phạm. Thực tế cho thấy, điểm nhận hồ sơ xét tuyển và điểm chuẩn trúng tuyển là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, thí sinh cần tham khảo điểm chuẩn các ngành của trường năm 2015 để biết mức điểm của mình có cơ hội trúng tuyển vào trường đó hay không.

Không gây phiền hà cho thí sinh trong việc nhận lệ phí xét tuyển

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bùi Văn Ga trong ngày 4-8 với báo chí liên quan đến phản ánh của nhiều thí sinh về những phức tạp trong việc nộp lệ phí đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016 trực tuyến.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, trước khi bước vào đợt đăng ký xét tuyển, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường tập huấn rất kỹ về quy chế tuyển sinh. Hiện nay, tất cả các trường đều công khai số điện thoại đường dây nóng trên trang thông tin điện tử của các trường. Vì vậy, thí sinh có thể gọi điện đến để phản ánh cũng như có thêm thông tin về việc đăng ký xét tuyển.

Cũng theo ông Ga, để tạo điều kiện hơn cho thí sinh trong việc đăng ký trực tuyến, Bộ GD&ĐT đã đề nghị các trường đơn giản hóa, không gây phiền hà cho thí sinh trong việc nhận lệ phí xét tuyển. Trước mắt các trường xét học sinh đã làm thủ tục đăng ký vào trường mình theo đúng quy định, giống như các em đã nộp tiền, không có gì phân biệt. Sau khi các em đã trúng tuyển rồi, việc trục trặc nộp tiền lệ phí sẽ xử lý sau.

H.T.

Tác giả bài viết: Huyền Thanh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok