Giáo dục

Bộ Công an điều tra sai phạm thi THPT tại 11 tỉnh

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, hiện Bộ Công an đang tiếp tục điều tra sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018.

Cụ thể, bắt đầu từ tuần này, Bộ Công an sẽ xem xét tiếp tục điều tra sai phạm thi THPT quốc gia dự kiến tại 11 tỉnh.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã gây chấn động với một loạt vụ gian lận xảy ra ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. 330 bài thi của 114 thí sinh ở Hà Giang sửa từ 1-8 điểm. Đặc biệt, nếu như Hà Giang có thể khôi phục điểm thi gốc thì tại Hòa Bình, Sơn La, gian lận tinh vi khiến việc khôi phục điểm thi gốc gặp khó khăn.

Hiện 11 cán bộ sai phạm đã bị xử lý (trong đó Hà Giang 2, Sơn La 6 và Hòa Bình 3), số học sinh liên quan là 151 (trong đó Hà Giang 114, Sơn La 29 và Lạng Sơn 8).

Ngoài Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, công an tiếp tục vào cuộc điều tra sai phạm thi THPT quốc gia tại 11 tỉnh. Ảnh: TPO

Bộ trưởng Nhạ thừa nhận, những sai phạm trên là do phần mềm chấm thi trắc nghiệm tuy đã được Bộ GDĐT hoàn thiện một bước, cơ bản đáp ứng yêu cầu chấm thi nhưng vẫn còn có những kẽ hở trong bảo mật có thể dẫn đến bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi, nhất là khi người dùng thực hiện gian lận có tổ chức và có chủ đích từ trước.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho hay, hiện Bộ đã rà soát toàn bộ quy trình kỹ thuật để bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan đối với tất cả khâu của kỳ thi; sửa đổi, bổ sung Quy chế thi, quy định rõ trách nhiệm của các địa phương, trường đại học, cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi và chế tài xử lý người tham gia kỳ thi.

Bộ cũng sẽ tiếp tục bổ sung, nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi đáp ứng tốt hơn yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia, đảm bảo tính phân hóa hợp lý để đánh giá học lực của học sinh. Việc nội dung đề thi có một số câu quá khó cũng sẽ được khắc phục để đảm bảo đề thi phù hợp hơn với tính chất của kỳ thi THPT quốc gia và thời gian làm bài của thí sinh.

Phương thức tổ chức chấm thi được Bộ cải tiến để tăng cường tính chính xác, khách quan, trung thực của kết quả thi. Cụ thể, Bộ sẽ tổ chức chấm theo cụm, đảm nguyên tắc cán bộ chấm thi không chấm bài thi của thí sinh tỉnh mình. Công nghệ thông tin cũng sẽ được tăng cường ứng dụng trong quản lý thi.

"Tất cả các khâu sẽ được tăng cường thanh tra, giám sát chặt, đặc biệt là khâu chấm thi", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ chịu trách nhiệm về chất lượng, quy chuẩn giáo viên và các chương trình đào tạo bồi dưỡng của các trường sư phạm. Tuy nhiên, việc sử dụng, tuyển dụng giáo viên lại do chính quyền địa phương quyết định.

"Tôi tha thiết đề nghị các lãnh đạo địa phương ưu tiên không giảm biên chế giáo viên một cách cơ học, như Thủ tướng đã chỉ đạo; đồng thời không dồn dịch các điểm trường một cách cơ học đưa tất cả vào những khu không đảm bảo điều kiện, dẫn tới các cháu bỏ học vì xa nhà, không đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất trường lớp", ông Nhạ nói.

Như đã đưa tin, năm 2018, cả nước có hơn 900.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia. Sau khi Bộ Giáo dục công bố điểm thi, dư luận bất ngờ khi Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình có số thí sinh đạt điểm giỏi tăng đột biến, trong khi đều là vùng trũng giáo dục. Tại Lạng Sơn, nhóm thí sinh tự do là cảnh sát cơ động có nhiều điểm khá giỏi.

Bộ Giáo dục sau đó thành lập 4 tổ công tới 4 địa phương xác minh dấu hiệu bất thường. Kết quả Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đều có dấu hiệu gian lận, công an đã khởi tố vụ án hình sự, bắt giam một số cán bộ.

Tác giả: Thùy Dung

Nguồn tin: Báo Đất việt

  Từ khóa: 11 tỉnh , thi THPT

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok