Số hóa

Bí ẩn về SR-71 – máy bay do thám nhanh nhất thế giới

Chiến tranh Lạnh, chiếc máy bay do thám SR-71 có biệt danh Blackbird (Chim đen) gây ấn tượng với thành tích bay cao và nhanh hơn bất kỳ máy bay nào khác. 55 năm sau chuyến bay đầu tiên của nó, kỷ lục này vẫn chưa bị xô đổ. Dù đã ngưng sử dụng nhưng máy bay do thám SR-71 vẫn đang giữ kỷ lục là chiếc máy bay có người lái nhanh nhất mọi thời đại, một thiết kế được ví như đến từ tương lai.

Máy bay SR-71 như siêu do thám trên bầu trời

“Thiết kế đến từ tương lai”

Máy bay SR-71 được hãng Lockheed - hãng chế tạo máy bay, vũ khí, tên lửa, vệ tinh và các kỹ thuật quốc phòng tối tân của Mỹ, nay là Lockheed Martin - bí mật thiết kế vào cuối những năm 1950. Máy bay này có thể bay gần rìa vũ trụ và nhanh hơn cả tên lửa. Cho đến nay, SR-71 vẫn giữ kỷ lục đạt độ cao hành trình lớn nhất và di chuyển với tốc độ nhanh nhất đối với máy bay không dùng động cơ tên lửa.

Được sản xuất một thời gian dài trước khi các vệ tinh và máy bay không người lái trở nên phổ biến, chiếc máy bay này nằm trong số những sản phẩm tương tự được chế tạo nhằm mục đích do thám bên trong lãnh thổ đối phương mà không bị phát hiện hay bắn hạ, trong thời gian dài.

Biệt danh Chim đen của máy bay xuất phát từ việc nó được sơn màu đen nhằm tăng khả năng tản nhiệt. Màu sơn đen, kết hợp với thiết kế khí động học độc đáo khiến máy bay trông khác hoàn toàn với những máy bay do thám tương tự từng được công bố trước đó.

Đến nay, bất chấp việc đã có hàng trăm mẫu máy bay tương tự được ra lò nhưng thiết kế của chiếc SR-71 vẫn luôn được đánh giá cao. “Dù được thiết kế vào những năm 1950 nhưng đến nay chiếc máy bay giống như một sản phẩm đến từ tương lai”, ông Peter Merlin - nhà sử học hàng không – mới đây nhận xét. Ông Merlin đặc biệt đánh giá cao thiết kế với những đường cong mềm mại ở cả phần thân và cánh của máy bay.

Nói về sự ra đời của chiếc máy bay trên, ông Merlin cho hay, tháng 5/1960, một máy bay do thám U-2 của Mỹ đã bị bắn rơi trên không phận Liên Xô khi đang chụp ảnh trên không. Ban đầu, chính phủ Mỹ tuyên bố đó là máy bay nghiên cứu thời tiết bay lạc. Tuy nhiên, Liên Xô sau đó đã công bố những bức ảnh của phi công trên máy bay bị bắn rơi đã bị họ bắt được cùng các thiết bị do thám của máy bay. Đến lúc này, phía Mỹ không thể chối cãi được.

Cùng với việc dẫn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Mỹ và Liên Xô, vụ máy bay do thám bị bắn rơi này cũng làm gia tăng nhu cầu của Mỹ về một loại máy bay do thám mới có thể bay nhanh hơn, cao hơn và an toàn hơn trước hỏa lực phòng không. “CIA muốn một máy bay có thể bay cao hơn 27.000m và vô hình trước radar”, Merlin nói.

Nhiệm vụ thiết kế chiếc máy bay đầy tham vọng đó được giao cho Clarence Kelly Johnson - một trong những nhà thiết kế máy bay vĩ đại nhất thế giới, và nhóm kỹ sư bí mật có tên Skunk Works của ông tại Công ty Lockheed.

Chiếc máy bay đầu tiên trong gia đình Blackbird được gọi là A-12. Máy bay này thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 30/4/1962. Tổng cộng có 13 chiếc A-12 đã được chế tạo, được xếp vào dạng tuyệt mật, do CIA vận hành theo một chương trình hoạt động bí mật.

Vì máy bay được thiết kế để có thể bay với tốc độ hơn 3.200 km/h trong khi ma sát với không khí xung quanh có thể làm nóng máy bay tới nhiệt độ làm tan chảy khung máy bay thông thường nên phần thân máy bay đã được chế tạo bằng hợp kim titan - kim loại có thể chịu được nhiệt độ cao và nhẹ hơn thép. Tuy vậy, việc sử dụng titan lại làm nảy sinh nhiều vấn đề.

Đầu tiên, các kỹ sư phải chế tạo toàn bộ dụng cụ mới làm bằng titan vì những bộ dụng cụ thép thông thường sẽ làm vỡ lớp titan giòn khi tiếp xúc. Vấn đề tiếp theo nảy sinh là việc tìm nguồn cung titan rất khó khăn. “Liên Xô lúc đó là nhà cung cấp titan lớn nhất thế giới.

Chính phủ Mỹ phải mua rất nhiều titan, có thể là bằng cách sử dụng các công ty vỏ bọc”, ông Merlin nói. “Chúng tôi phải bắt đầu mày mò tất cả mọi thứ”, ông Johnson từng kể lại quá trình thiết kế máy bay. Vị kỹ sư này qua đời vào năm 1990, cùng năm những chiếc máy bay Chim đen đầu tiên ngừng hoạt động.

Sau khi được hoàn tất, chiếc A-12 ban đầu không được sơn màu, để lộ lớp kim loại titan màu bạc của nó. Sau đó, đến năm 1964, chiếc máy bay đã lần đầu được sơn màu đen, khi các kỹ sư nhận thấy lớp sơn đen vừa có thể giúp hấp thụ và tản nhiệt hiệu quả, giúp hạ nhiệt độ toàn bộ khung máy bay. Biệt danh Chim đen ra đời từ đó.

Những kỷ lục khó vượt

Sau những chuyến bay thử nghiệm thành công, các biến thể của máy bay A-12 sớm được phát triển, như máy bay đánh chặn thay vì chỉ làm nhiệm vụ do thám. Để phục vụ mục tiêu này, phiên bản đánh chặn của máy bay được bổ sung thêm tên lửa và buồng lái thứ 2 cho phi công để vận hành radar và vũ khí.

Chiếc máy bay mới vẫn giữ thiết kế giống hệt chiếc A-12, ngoại trừ phần mũi và được gọi là YF-12. Trong khi máy bay A-12 vẫn được giữ ở nhóm các sản phẩm tuyệt mật thì sự tồn tại của chiếc YF-12 đã lần đầu được Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson tiết lộ vào năm 1964.

Tổng cộng đã có 3 chiếc máy bay loại này được chế tạo và bàn giao cho không quân Mỹ vận hành. Cùng thời gian này, Mỹ cũng bắt tay vào sản xuất biến thể thứ 3 của máy bay, được gọi là M-21. Sản phẩm này có một trụ hình tháp trên lưng để gắn và phóng các máy bay không người lái.

Hai chiếc máy bay loại này đã được chế tạo nhưng chương trình chế tạo máy bay M-21 đã bị hủy bỏ vào năm 1966, khi một máy bay không người lái va chạm với máy bay mẹ khiến một trong những phi công trên máy bay tử nạn.

Phiên bản cuối cùng của máy bay A-12 với buồng lái 2 chỗ ngồi, dung tích nhiên liệu lớn hơn được gọi là SR-71, được thiết kế cho nhiệm vụ trinh sát chiến lược. Máy bay này thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 22/12/1964. Đây cũng chính là phiên bản đã đảm nhận nhiệm vụ do thám cho không quân Mỹ trong hơn 30 năm.

32 chiếc SR-71 được chế tạo, nâng tổng số các phiên bản của gia đình Chim đen lên 50 chiếc. Thân máy bay SR-71 được sản xuất từ một số vật liệu composite lần đầu tiên được sử dụng trên máy bay, khiến radar của đối phương khó phát hiện hơn. “Máy bay đó đã tàng hình trước khi thuật ngữ tàng hình được sử dụng”, ông Merlin cho hay.

Nhờ khả năng bay ở độ cao ngoài tầm với của hỏa lực phòng không, nhanh hơn tên lửa và hầu như không bị phát hiện bằng radar, chiếc máy bay Chim đen có thể bí mật đi vào không phận đối phương mà không gây ra sự xáo trộn.

“Ý tưởng của các nhà thiết kế là khi kẻ thù phát hiện ra sự hiện diện của chiếc máy bay đó và bắn tên lửa, nó đã ở ngoài không phận đối phương”, ông Merlin cho biết thêm. Kết quả là, đã không có chiếc máy bay Chim đen nào bị hỏa lực đối phương bắn hạ.

SR-71 được coi là máy bay do thám nhanh nhất thế giới

Tuy vậy, máy bay này không phải không có khiếm khuyết, nổi bật là độ tin cậy của nó thực sự có vấn đề. Tổng cộng đã có 12 trong 32 chiếc SR-71 được sản xuất đã bị rơi trong các vụ tai nạn. Việc bảo trì và điều khiển máy bay cũng được đánh giá là quá phức tạp.

“Phải cần cả một nhóm binh sỹ để chuẩn bị máy bay. Mỗi nhiệm vụ của Chim đen về cơ bản là đếm ngược giống như sứ mệnh không gian, bởi vì có rất nhiều thứ phải chuẩn bị, từ việc chuẩn bị trên máy bay cho tới phi công. Tất cả tiêu tốn nhân lực và công sức ở mức không thể tin được”, ông Merlin tiết lộ.

Điển hình, do điều kiện khắc nghiệt khi máy bay bay ở độ cao lớn nên các phi công trên máy bay này phải mặc áo quần rất đặc biệt. “Về cơ bản, phi công mặc áo quần không gian, giống như quần áo mà các phi hành gia trên tàu con thoi về sau mặc. Buồng lái rất nóng khi máy bay bay ở tốc độ cao, đến nỗi các phi công có thể hâm nóng bữa ăn khi thực hiện các nhiệm vụ dài bằng cách ấn nó vào kính chắn gió”, ông Merlin cho biết.

Sau vụ việc năm 1960, Mỹ ngừng hoàn toàn các chuyến bay do thám trên không phận Liên Xô nên đã không có chiếc máy bay Chim đen nào hoạt động ở đây. Tuy nhiên, sự ra đời của máy bay này vẫn đóng vai trò rất quan trọng những năm Chiến tranh Lạnh. Năm 1976, máy bay SR-71 đã thiết lập kỷ lục bay duy trì ở độ cao 25,9 km và đạt tốc độ tối đa 3.529 km/h, tức gấp 3,3 lần vận tốc âm thanh. Kỷ lục đó vẫn tồn tại cho đến ngày nay mà chưa có máy bay có người lái nào vượt qua được.

Đến năm 1990, chương trình sản xuất máy bay SR-71 đã bị dừng lại. Về sau, vào khoảng giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, chương trình được nối lại, khi các công nghệ do thám mới như vệ tinh gián điệp, máy bay không người lái trở nên khả thi hơn và có khả năng cung cấp dữ liệu giám sát theo thời gian thực.

Song, việc sản xuất 1 lần nữa bị dừng lại chỉ sau 1 thời gian ngắn. Năm 1999, NASA thực hiện những chuyến bay cuối cùng trên máy bay SR-71. Khi đó, 2 chiếc SR-71 đã được sử dụng để nghiên cứu công nghệ hàng không tốc độ cao và độ cao lớn. Những chiếc SR-71 còn lại được đưa đến trưng bày ở các bảo tàng. Dù vậy nhưng SR-71 vẫn được đánh giá là tuyệt tác công nghệ hàng không những năm Chiến tranh Lạnh. Những kỷ lục mà nó thiết lập cũng được cho là còn lâu nữa mới bị vượt qua.

Tác giả: Minh Anh

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

  Từ khóa: SR-71 , tên lửa , máy bay , Vũ khí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok