Xã hội

Bé trai 14 tuổi bị đột quỵ sau khi đi đá bóng về

Bệnh viện Lão khoa Trung ương vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhi 14 tuổi, nặng 74 kg bị đột quỵ. Khi vào viện, bệnh nhi đã suy giảm ý thức, đau đầu, buồn nôn nhiều.

Đây là một trong những bệnh nhân trẻ tuổi bị đột quỵ mà Bệnh viện Lão khoa Trung ương từng tiếp nhận.

Theo thông tin từ gia đình, sau khi đi đá bóng về, bé trai bị đau đầu, chóng mặt, nôn liên tục. Mẹ bé tưởng con bị trúng gió nên cạo gió nhưng tình trạng đau không giảm nên đưa đến bệnh viện huyện cấp cứu, rồi chuyển lên bệnh viện tỉnh.

Bệnh nhi được chẩn đoán bị đột quỵ, nhồi máu diện rộng, một bán cầu không có máu tưới, dẫn đến bị liệt. Khi vào viện, bệnh nhi đã suy giảm ý thức, đau đầu, buồn nôn nhiều. Trước đó, viện này từng tiếp nhận bệnh nhi bị đột quỵ khi chỉ mới 8 tuổi.

BS Đỗ Mai Huyền, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa và gia tăng.

Theo Tổ chức Đột quỵ Mỹ, khoảng 15% bệnh nhân bị đột quỵ có độ tuổi trong khoảng từ 18- 45 tuổi, tăng hơn 40% trong vòng 10 năm qua. Ở Việt Nam, đột quỵ ở người trẻ tuổi có xu hướng gia tăng đáng báo động (khoảng 25% các ca đột quỵ).

Tại Bệnh viện Quân y 175 (Tp.HCM), những năm gần đây bình quân cứ 4-5 bệnh nhân đột quỵ nhập viện thì có 1 bệnh nhân là người trẻ. Hiện mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận từ 8-10 bệnh nhân đột quỵ, 20-25% trong đó là người trẻ.

PGS.TS. Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ thuộc Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ phần lớn bệnh nhân trẻ bị đột quỵ nhập viện muộn và hệ lụy là mất đi cơ hội hồi phục trong giờ “vàng”.

Lý do của việc đến viện muộn là do họ chủ quan, không nhận diện rõ các dấu hiệu điển hình của đột quỵ và không nghĩ là đột quỵ có thể xảy ra ở người trẻ tuổi.

Việc bệnh nhân trẻ tuổi bị đột quỵ không chỉ để lại nhiều di chứng, gánh nặng cho gia đình, xã hội mà còn gây áp lực tâm lý cho chính bản thân người bệnh. Bởi mới đây thôi họ đang là trụ cột, lao động chính trong gia đình thì nay đột ngột phải đối mặt với nguy cơ thành “phế nhân”.

Theo các chuyên gia, tỉ lệ đột quỵ tăng lên ở người trẻ ngoài do bất thường về mạch máu não bẩm sinh, các yếu tố di truyền hoặc tình trạng đông máu, dẫn đến nguy cơ vỡ mạch máu, tắc mạch máu gia tăng, một nguyên nhân khác còn do lối sống, sinh hoạt.

Theo BS Huyền, chế độ ăn uống quá nhiều chất béo, đường, đồ chiên, rán, nướng, hút nhiều thuốc lá, lạm dụng bia rượu trong khi ít vận động, tập luyện… khiến mạch máu não xơ hóa, tổn thương rất nhanh dẫn đến nguy cơ đột quỵ. Do đó cần phải giáo dục tuyên truyền sớm về dự phòng đột quỵ cho người trẻ.

Ngoài ra, PGS. Tôn chia sẻ, có nhiều yếu tố liên quan đến đột quỵ như bệnh tăng huyết áp, bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, béo phì, tăng mỡ máu…

Các bác sĩ khuyến cáo, thời gian vàng trong điều trị đột quỵ là từ 4-6 tiếng, do đó việc nhận biết sớm được các triệu chứng của đột quỵ là vô cùng quan trọng. Khi bệnh nhân bị đột quỵ não, các triệu chứng sẽ xảy ra ngay lập tức sau vài phút hoặc sau vài giờ với các dấu hiệu sau:

- Đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân (các triệu chứng thường xảy ra ở một bên của cơ thể - nửa người);

- Đột ngột không nói được, giọng nói bị méo hoặc bệnh nhân bị nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói;

- Đột ngột mất thị lực, đặc biệt khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt;

- Đột ngột đau đầu dữ dội;

- Chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn…

Nếu có một trong các biểu hiện này, thậm chí không rõ ràng, cần gọi cấp cứu 115, vận chuyển an toàn tới bệnh viện gần nhất tìm cơ hội điều trị trong giờ vàng để "cứu não".

Tác giả: Minh Hoa

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

  Từ khóa: đột quỵ , đá bóng , bé trai

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok