Thế giới

Bầu cử lịch sử tại Zimbabwe

Ngày 30-7, khoảng 5,6 triệu cử tri Zimbabwe đã đi bỏ phiếu bầu Tổng thống, Quốc hội và chính quyền địa phương.

Đây là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên tại Zimbabwe kể từ khi giành độc lập năm 1980 mà không có sự tham gia của cựu Tổng thống Robert Mugabe, người bị buộc phải từ chức hồi tháng 11 năm ngoái sau 37 năm cầm quyền.

Cùng tuyên bố chiến thắng

Cuộc bầu cử lần này chứng kiến sự tranh đua của 23 ứng cử viên vào vị trí tổng thống và 75 đảng cho 250 ghế tại Quốc hội. Trong số 23 ứng cử viên cho cương vị tổng thống, 2 ứng viên được kỳ vọng nhiều nhất là đương kim Tổng thống Emmerson Mnangagwa, 75 tuổi, thuộc Liên minh Quốc gia châu Phi Zimbabwe - Mặt trận Yêu nước (đảng Zanu-PF) và ông Nelson Chamisa, 40 tuổi, Chủ tịch Phong trào vì sự thay đổi dân chủ (MDC).

Cuộc thăm dò cử tri mới nhất diễn ra tuần trước cho thấy MDC đã thu hẹp khoảng cách với Zanu-PF từ 11% xuống còn 3%, trong đó 20% số cử tri được hỏi chưa quyết định. Cuộc bầu cử được tiến hành trong bối cảnh Zimbabwe đang đối mặt với những thách thức kinh tế nghiêm trọng, lạm phát hàng triệu phần trăm, đồng tiền mất giá, đất nước kiệt quệ, nghèo đói và tỷ lệ thất nghiệp ước tính lên tới 90%.

Ông Nelson Chamisa.

Ngày 31-7, mặc dù kết quả của cuộc bầu cử vẫn chưa chính thức được công bố, song 2 ứng cử viên chính là đương kim Tổng thống Emmerson Mnangagwa và ông Nelson Chamisa đều tuyên bố dẫn đầu cuộc bầu cử.

Trên trang mạng Twitter ngày 31-7, ông Nelson Chamisa, 40 tuổi, Chủ tịch Phong trào vì sự thay đổi dân chủ (MDC), đã tuyên bố một “chiến thắng rực rỡ”.

“Chúng tôi đã làm rất tốt" chống lại ứng cử viên Emmerson Mnangagwa và Zanu-PF - ông khẳng định, dựa trên số phiếu bầu thu được "phần lớn trong số hơn 10.000 trạm bỏ phiếu" trên cả nước. "Chúng tôi đã sẵn sàng để thành lập chính phủ tiếp theo" - ông Chamisa nêu rõ.

Trong khi đó, phản ứng ngay sau tuyên bố của ứng viên đối lập, đương kim Tổng thống Emmerson Mnangagwa thuộc Zanu-PF đã đáp trả bằng cách ngụ ý rằng ông đang dẫn đầu cuộc bầu cử.

“Thông tin thu được từ các đại diện của tôi là cực kỳ tích cực" – ông Mnangagwa cho biết. "Kiên nhẫn chờ đợi kết quả, theo Hiến pháp" – ông nói thêm trên tài khoản Twitter của mình, đồng thời bày tỏ "vui mừng vì tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu cao".

Khả năng kiện sau bầu cử

Trong chiến dịch tranh cử, ông Emmerson Mnangagwa thu hút cử tri bằng cách hứa hẹn một "Zimbabwe mới" và khôi phục nền kinh tế trên bờ vực của phá sản.

Trong khi đó, ông Nelson Chamisa nếu đắc cử sẽ là tổng thống trẻ tuổi nhất của Zimbabwe với kỳ vọng sẽ mang lại sức sống mới cho quốc gia này.

Theo Ủy ban Bầu cử Zimbabwe (ZEC), tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu đã được khoảng 75% vào thời điểm 1 giờ trước khi các địa điểm bỏ phiếu đóng cửa vào ngày 30-7.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định cuộc bầu cử lịch sử ở Zimbabwe có thể kết thúc bằng kiện cáo, khi diễn ra giữa vô số tố giác về áp bức, hù dọa.

Trước đây, ZEC bác bỏ các tố giác thiên vị của ông Chamisa. Nhưng, ông Chamisa cả quyết “phong trào thay đổi dân chủ - MDC” sẽ thắng nếu bầu cử công bằng, ám chỉ sẽ kiện nếu ứng viên Mnangagwa của đảng ZANU thắng.

ZEC ngày 31-7 khẳng định không xảy ra trường hợp gian lận nào trong cuộc bầu cử đầu tiên tại quốc gia Nam Phi này kể từ khi ông Robert Mugabe từ chức Tổng thống tháng 11-2017 sau 37 năm cầm quyền.

Cựu lãnh đạo 94 tuổi Robert Mugabe đã cùng vợ đi bỏ phiếu vào buổi trưa, không tuyên bố gì với báo chí - đám đông bên ngoài phòng phiếu la ó cũng có, hoan nghênh cũng có. Ứng viên Mnangagwa bác bỏ tuyên bố của ông Mugabe theo đó cuộc bầu cử này là thiếu tự do vì do một chính quyền quân sự tổ chức. Cuộc bầu cử lần này có các quan sát viên đến từ Liên minh châu Âu, khối Thịnh vượng chung và Mỹ.

Tác giả: Anh Kiệt

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

  Từ khóa: Zimbabwe , bầu cử

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok