Kinh tế

Bất ngờ tỷ phú Trần Bá Dương, khó lường nhà Cường đôla

Những tin chính: tỷ phú Trần Bá Dương tái cơ cấu, ông Nguyễn Đăng Quang gom 9 ngàn tỷ, Quốc Cường Gia Lai báo lãi đột biến gần 6 lần, FLC Faros có lãnh đạo mới

Sau một thời gian mở rộng mạnh mẽ sang các lĩnh vực mới như bất động sản, nông nghiệp thì việc CTCP Ô tô Trường Hải (THACO) quyết định tái cấu trúc với việc thành lập các công ty để quản lý các mảng kinh doanh riêng biệt

THACO sẽ gom các khoản đầu tư không liên quan đến ngành công nghiệp ô tô tách ra thành lập một pháp nhân mới mang tên CTCP Tập đoàn Trường Hải – THACO Group. Công ty THACO nguyên gốc sẽ tiếp tục giữ lại mảng cơ khí, sản xuất – lắp ráp ô tô như từ trước đến nay.

Khi đó, các cổ đông của THACO sẽ sở hữu 2 cổ phiếu riêng biệt: cổ phiếu hiện hữu của "THACO-Ô tô" và nhận thêm cổ phiếu mới THACO Group. Do được chia tách nên về cơ bản cơ cấu sở hữu của THACO và THACO Group sẽ như nhau, ngoại trừ các cổ đông sở hữu cổ phần ESOP năm 2018, chiếm 0,4% lượng cổ phần đang lưu hành.

Tỷ phú Trần Bá Dương


Sau chia tách, gia đình doanh nhân Trần Bá Dương tiếp tục là cổ đông chính của THACO cũng như THACO Group. Hiện tại, ông Dương cùng vợ và Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trân Oanh đang sở hữu xấp xỉ 71% cổ phần của THACO và cổ đông chiến lược JC&C nắm giữ 26,3% cổ phần.

Ông Nguyễn Đăng Quang gom 9 ngàn tỷ

Tập đoàn Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang vừa công bố sơ bộ tình hình kinh doanh của tập đoàn và các công ty thành viên trong quý 1/2020, trong đó doanh thu bán lẻ của VinCommerce (doanh nghiệp sở hữu VinMart, VinMart+) tăng 40% so với cùng kỳ lên hơn 8,7 ngàn tỷ đồng.

Đây là quý đầu tiên Masan của ông Nguyễn Đăng Quang tiếp quản hệ thống bán lẻ vốn được tỷ phú Phạm Nhật Vượng gầy dựng trong 5 năm trước đó. Trong ngày cuối cùng của năm 2019, Tập đoàn Vingroup đã chuyển nhượng hơn 64% cổ phần trong Công ty VCM (đơn vị sở hữu VinCommerce và VinEco) cho Masan và thu về khoản lợi nhuận hơn 8,5 ngàn tỷ đồng.

Như vậy, chuỗi cửa hàng và siêu thị lớn nhất Việt Nam đã có kết quả hoạt động vượt trội so với mong đợi của nhiều nhà đầu tư và đã xóa tan nghi ngờ về một triển vọng u ám sau khi Vingroup thoái vốn.

Lợi nhuận không được công bố cụ thể nhưng Masan cho biết biên Ebitda (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) của công ty này tăng thêm 5% so với quý liền trước (IV/2019) nhờ tăng hiệu suất nhân viên tại cửa hàng, cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp và tăng doanh thu trung bình trên mỗi mét vuông.

Biên lợi nhuận gộp của chuỗi này được cải thiện do biên doanh thu trên giá vốn tốt hơn khi giảm tỷ trọng doanh thu bán sỉ và đạt được chính sách mua hàng thuận lợi hơn với nhà cung cấp.

Quốc Cường Gia Lai báo lãi đột biến gần 6 lần

CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 1/2020 với doanh thu giảm mạnh, ngược lại nhờ khoản thu tài chính đẩy lợi nhuận thu về tăng đột biến.

Kết quả, QCG báo lãi ròng gấp 5,6 lần con số hồi quý 1/2019 với 30 tỷ đồng. Về QCG, từng ‘thắng lớn’ với những dự án bất động sản, tuy nhiên những năm gần đây tình hình kinh doanh tại QCG bắt đầu khó khăn.

Bà Như Loan

Có lúc, bà Như Loan phân trần từng muốn tự tử vì những nhập nhằng pháp lý dự án thời gian dài không tháo gỡ được. Một trong những khó khăn chính là dự án chiến lược Phước Kiển đang bị ách tắc.

Trên thị trường, cổ phiếu QGC giao dịch khá biến động với trần sàn xen phiên. Giữa bối cảnh toàn thị trường giảm điểm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cổ phiếu QCG từng có cú lội ngược dòng đáng ngờ với 15 phiên liên tiếp với mức tăng 7%/ngày, đưa giá cổ phiếu tăng vọt từ 3.500 đồng/cp lên 10.200 đồng. Sau đó, cổ phiếu nằm sàn la liệt. Đến phiên hôm nay 6/5/2020, cổ phiếu đang kịch trần lên mức 7.810 đồng/cp.

Khi có cháy rừng, những con thú lớn chậm chạp dễ bị chết cháy

Chia sẻ tại buổi gặp mặt hồi đầu tháng 4, Nguyễn Đức Tài, đại diện Thế giới di động cho hay: Người ta hay nói, khi có sự cố như cháy rừng, những con thú lớn, như voi chậm chạp, nặng nề dễ bị chết cháy.

Thế giới di động tuy lớn nhưng không phải là người béo phì, chậm chạp mà có sức mạnh, biết cách xoay chuyển, thậm chí tận dụng cơ hội thị trường sàng lọc doanh nghiệp có sức cạnh tranh thấp để lấy thêm thị phần.

Đại gia bán lẻ điện thoại di động, điện máy và thực phẩm Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài cũng ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất quý 1 tăng trưởng 17%, lên gần 29,4 ngàn tỷ đồng, nhờ doanh thu tăng vọt lên trên 1,9 ngàn tỷ động của chuỗi Bách Hóa Xanh.

Lợi nhuận sau thuế của MWG tăng 9% lên 1.132 tỷ đồng. Doanh thu mảng máy tính xách tay tăng mạnh, gần gấp đôi cùng kỳ năm trước do nhu cầu học tập và làm việc tại nhà trong mùa dịch Covid-19 tăng vọt.

Doanh thu của MWG tăng bất chấp cuối tháng 3 doanh nghiệp này đã đóng cửa khoảng 10% tổng số cửa hàng Thế Giới Đi Động và Điện máy xanh. Doanh thu bán hàng online và qua điện thoại của doanh nghiệp tăng mạnh.

Đại gia xây dựng gặp khó

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) của ông Lê Viết Hải vừa báo cáo lợi nhuận sau thuế quý 1/2020 chỉ đạt 5,5 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng gần 6 năm qua. Doanh thu cũng giảm mạnh 34% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là một kết quả kinh doanh khá thất vọng so với một doanh nghiệp có quy mô vốn lên tới 2.300 tỷ đồng và tài sản lên tới gần 15 ngàn tỷ đồng. Doanh nghiệp chứng kiến nợ vay vẫn ở mức cao, gần 4,9 ngàn tỷ đồng.

Trong năm 2020, HBC đặt kế hoạch lợi nhuận giảm 52% xuống còn 200 tỷ đồng, trong khi doanh thu giảm 24,8% xuống còn 14 ngàn tỷ đồng.

Theo HBC, dịch bệnh Covid-19 có tác động lớn đến nền kinh tế, gây ra sự trì hoãn của các dòng vốn đầu tư, qua đó tác động đến hoạt động xây dựng của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nguồn cung căn hộ có xu hướng giảm từ 2018 cho đến nay, một phần liên quan tới thị trường chung, một phần liên quan tới các vấn đề pháp lý từ chủ đầu tư khiến nhiều dự án bị ngưng triển khai, một số dự án khác triển khai cầm chừng cũng ảnh hưởng tới HBC.

Coteccons (CTD) của ông Nguyễn Bá Dương có doanh thu thuần trong quý 1 của CTD giảm hơn 16% xuống còn 3,55 ngàn tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm 35% xuống 123 tỷ đồng.

FLC Faros có lãnh đạo mới

Bà Hương Trần Kiều Dung được bầu làm Chủ tịch HĐQT. Ông Lê Thành Vinh được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Giám đốc.

Liên quan đến việc sáp nhập vào FLC GAB, ĐHĐCĐ FLC Faros đã nhất trí chủ trương và ủy quyền cho HĐQT chịu trách nhiệm triển khai thực hiện việc sáp nhập. Lộ trình sáp nhập cụ thể bao gồm các phương án hoán đổi cổ phiếu và phương án hoạt động kinh doanh sau sáp nhập… sẽ được HĐQT công bố trên cổng thông tin điện tử của công ty theo quy định.

FLC GAB với định hướng trở thành doanh nghiệp khai khoáng và quản lý tài sản, trong đó có nhiều ngành nghề kinh doanh mới như kinh doanh bất động sản và dịch vụ bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng…

Do đó, việc sáp nhập vào FLC GAB sẽ bổ trợ hiệu quả cho FLC Faros trong hoạt động tư vấn, triển khai thi công dự án, phù hợp với các chiến lược kinh doanh mới trong giai đoạn 2020 – 2025 của công ty.

Trước đó, Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) FLC Faros đã diễn ra ngày 5/5, với nhiều nội dung quan trọng như bầu mới thành viên HĐQT là bà Hương Trần Kiều Dung và bà Trần Thị Hương, thông qua chủ trương sáp nhập vào FLC GAB, cũng như xác định mục tiêu và định hướng hoạt động trong năm 2020.

2 cựu sáng lập Leflair làm lãnh đạo cấp cao Maison Group

Diễn biến mới nhất liên quan đến vụ trang TMĐT Leflair bị tố ôm công nợ của 500 nhà cung cấp, 2 sáng lập viên là ông Loic và ông Pierre chưa giải quyết công nợ của các nhà cung cấp đã được Maison Group tuyển dụng, thông tin từ một số nhà cung cấp cho hay.

Đáng chú ý, Loic và Pierre hiện còn đang bị tố cáo đến các cơ quan chức năng để điều tra nghi vấn lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của 500 nhà cung cấp khi tuyên bố nộp đơn phá sản vì không có khả năng trả nợ hơn 50 tỷ đồng.

Đầu tháng 2, Leflair tuyên bố dừng hợp tác với các nhà cung cấp nội địa. Không lâu sau đó, toàn bộ hoạt động kinh doanh bao gồm thị trường nước ngoài cũng chấm dứt. Trước áp lực từ các nhà cung cấp, 2 đại diện Leflair đã có buổi tiếp xúc trực tiếp để trao đổi về việc xử lý công nợ.

Tác giả: Bảo Anh

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok