Trong tỉnh

Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hoá vi phạm Luật Đấu thầu?

Nhiều ý kiến cho rằng gói thầu “Đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở thuộc Chương trình 135 năm 2019 của Ban dân tộc tỉnh Thanh Hóa” thiếu tính minh bạch và vi phạm Luật Đấu thầu.

Chỉ định thầu “trá hình”?

Được biết, gói thầu “Đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở thuộc Chương trình 135 năm 2019 do Ban dân tộc tỉnh Thanh Hóa” ban hành kèm theo Quyết định số 132/QĐ-BDT ngày 29/8/2019, ngày 31/8/2019 trên mạng đấu thầu Quốc gia. Hồ sơ do Công ty tư vấn và đầu tư Hà Thành là đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời thầu (HSMT) và Công ty CP tư vấn đào tạo Bách Việt là đơn vị tư vấn thẩm định HSMT.

Liên quan đến gói thầu nói trên, nhiều nhà thầu cho rằng: “Nhiều gói thầu đấu thầu rộng rãi nhưng nhìn vào HSMT chưa đấu đã ngầm biết có sự ưu tiên tạo lợi thế cho những nhà thầu “sân sau”. Các nhà thầu khác dù có đáp ứng năng lực, thậm chí đáp ứng tốt hơn vẫn khó có thể cạnh tranh công bằng. Đã từng có việc HSMT “cài cắm” những điều kiện mang tính chất “khu biệt” làm khó nhà thầu.

Đơn cử là gói thầu “đào tạo tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng được Ban dân tộc tỉnh Sơn La phê duyệt tại Quyết định số 88 ngày 14/8/2019, ban hành ngày 20/8/2019 và gói thầu có nội dung tương tự của Ban dân tộc tỉnh Lào Cai phát hành ngày 28/8/2019 đều cùng một đơn vị tư vấn thực hiện.

Không chỉ ngầm tạo “sân sau”, HSMT còn được cho đã “cài” điều kiện hạn chế sự tham gia của nhà thầu. Cụ thể, trong HSMT gói thầu “Đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở thuộc Chương trình 135 năm 2019” do Ban dân tộc tỉnh Thanh Hóa phê duyệt có một số yêu cầu, tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm chưa phù hợp với pháp luật về đấu thầu, có thể hạn chế sự tham gia của nhà thầu.

Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa.

Tại mục 3, yêu cầu kinh nghiệm cụ thể trong thực hiện hợp đồng tương tự “số lượng hợp đồng đào tạo tập huấn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững” là 03, mỗi hợp đồng có giá trị tối thiểu là 3.109.750.000 đồng hoặc số lượng hợp đồng đào tạo tập huấn thuộc chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững ít hơn hoặc nhiều hơn 03, trong đó có ít nhất 01 hợp đồng có giá trị tối thiểu là 3.109.750.000 đồng và tổng giá trị tất cả các hợp đồng hơn 9.329.250.000 đồng.

Trong khi đó phạm vi cung cấp của gói thầu chỉ bao gồm các các hạng mục như: bố trí giảng viên, quản lý tổ chức lớp học, bố trí ăn nghỉ cho học viên, giảng viên, chuẩn bị hội trường, tài liệu, văn phòng phẩm, nước uống, phát các khoản hỗ trợ cho học viên (ăn, ở, đi lại và phụ cấp cho học viên).

Theo dự toán gói thầu được phê duyệt, phần chi cho giảng viên và biên soạn tài liệu chỉ chiếm khoảng 5,3% trong tổng dự toán. Như vậy, đây là các hạng mục công việc của dịch vụ tổ chức đào tạo cho bất kỳ chương trình đào tạo nào chứ không riêng gì chương trình đào tạo cho cán bộ cơ sở và cộng đồng thuộc Chương trình 135 hay chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Về vấn đề này, ngày 04/9/2019 Cục Quản lý đấu thầu- Bộ Kế hoạch và đầu tư có Văn bản số 873/ QLĐT-CS nêu rõ: “chủ đầu tư, bên mời thầu phải căn cứ vào quy mô, tính chất, lĩnh vực của từng gói thầu cụ thể để đưa ra các yêu cầu phù hợp mà không được đưa ra yêu cầu nhà thầu đã từng thực hiện gói thầu của một dự án, đề án hoặc chương trình cụ thể. Theo đó, việc E-HSMT quy định hợp đồng tương tự là hợp đồng cung cấp dịch vụ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là không phù hợp có thể dẫn đến sự tham gia của nhà thầu vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính Phủ”

Mặc dù theo quy định của pháp luật đấu thầu và văn bản hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước về đấu thầu quy định như trên nhưng đại diện Ban dân tộc tỉnh Thanh Hoá vẫn quanh co lý giải cho rằng các yêu cầu trong HSMT đã được “mở rộng hơn nhiều so với các tỉnh khác”.

Bên cạnh đó, việc đơn vị này phát hành HSMT vào thứ 7 ngày 31/8/2019 đúng vào ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9. Như vậy, ít nhất 3 ngày sau khi phát hành thì nhà thầu mới có thể tiếp cận được HSMT, điều này cũng gây không ít hạn chế cho nhà thầu trong quá trình chuẩn bị dự thầu.

Cần quản lý chặt chẽ tình trạng “thầu một mình... một sân”

Theo dõi các gói thầu đào tạo thuộc Chương trình 135 trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia có thể thấy, không có nhiều gói thầu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng thuộc Chương trình 135 có quy mô trên 4 tỷ đồng như yêu cầu của HSMT.

Điều đặc biệt là trong khoảng 3 năm gần đây, hầu hết các gói thầu đào tạo thuộc Chương trình 135 nêu trên tại các tỉnh có chương trình thì nhà thầu là Công ty CP Pro Phương Nam trúng thầu hầu hết các gói thầu.

Cụ thể: năm 2017 trúng 03 gói đấu thầu rộng rãi tại các tỉnh Tuyên Quang , Lào Cai , Sơn La. Năm 2018 trúng 05 gói (04 gói thầu đấu rộng rãi, 01 gói Chỉ định thầu rút gọn) tại các tỉnh Tuyên Quang, Lào Cai , Sơn La, Nghệ An, Cao Bằng, Lai Châu và Thanh Hóa.

Đáng chú ý, các đơn vị tư vấn lập HSMT và đánh giá HSDT; đơn vị tư vấn thẩm định HSMT và tư vấn thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu của các tỉnh đều do Công ty tư vấn và đầu tư Hà Thành và Công ty CP tư vấn đào tạo Bách Việt thực hiện(?!).

Văn bản hướng dẫn của Cục Quản lý đấu thầu.

Có thể thấy, mặc dù quy định của pháp luật đấu thầu đã rất cụ thể và có văn bản trả lời của Cục Quản lý đấu thầu nhưng bên mời thầu là Ban dân tộc vẫn phớt lờ. Phải chăng, bên mời thầu đã cố tình tạo điều kiện cho nhà thầu “sân sau” nên bất chấp các quy định của pháp luật?.

Nhằm đảm bảo các mục tiêu của đấu thầu là cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả... rất cần những ý kiến, động thái và sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan có thẩm quyền. Qua đó góp phần xóa bỏ “tiền lệ” kiểu “chỉ định thầu trá hình” hay “gọt hồ sơ cho vừa nhà thầu” như đã và đang tồn tại.

Tác giả: Nhóm PV

Nguồn tin: Báo Công lý

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok