Trong tỉnh

Ai đang "làm xiếc" tại Khu đô thị Nam thành phố Thanh Hóa?

Cần làm rõ dấu hiệu "thông thầu" và việc Công ty cổ phần bất động sản Bắc Bộ (Công ty thành viên của Công ty cổ phần dịch vụ và địa ốc Đất Xanh Miền Bắc) "làm xiếc" tại dự án Khu đô thị Nam thành phố Thanh Hóa.

Trước đó, Công ty đấu giá Hợp Danh Hoàng Nguyên tổ chức đấu giá Quyền sử dụng đất Dự án khu nhà ở, công viên cây xanh thuộc Khu đô thị Nam thành phố Thanh Hóa tại phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa, (đợt 2) này gồm 399 lô đất ở liền kề (từ Nơ-12 đến Nơ-19) có tổng diện tích là 37.322,7 m2 (thuộc MBQH điều chỉnh chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được phê duyệt theo Quyết định số 2125/QĐ- UBND ngày 16/06/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa) với mức giá khởi điểm 292.775.000.000 đồng.

Đơn vị trúng đấu giá là Công ty cổ phần HIRAKU, có địa chỉ tại lô 19, khu dân cư trường đại học Hồng Đức, phường Đông Sơn, thành phố Thanh Hóa. Giấy chứng nhận kinh doanh được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cấp lần đầu tiên ngày 31/05/2019 và thay đổi lần 2 ngày 20/02/2020.

Toàn cảnh dự án Khu đô thị Nam thành phố Thanh Hóa (MB 2125).

Tại quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất dự án: Dự án khu nhà ở, công viên cây xanh thuộc Khu đô thị Nam thành phố Thanh Hóa (đợt 2) ngày 31/03/2020 ghi rõ tổng số tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất là 295.000.000.000 đồng (tương đương 740.000.000 đồng/lô). Như vậy, sau khi tổ chức đấu giá khu đất vàng này, nhà nước chỉ thu về được khoản “chênh lệch” là 2.225.000.000 đồng/399 lô đất/37.322,7 m2 đất ở. Như vậy, với mức trúng đấu giá chênh lệch hơn 2 tỷ đồng/ 37.322,7m2 đất ở tại dự án trăm tỷ này, dư luận hoài nghi có hay không việc thầu thầu giữa chủ đầu tư và đơn vị trúng đấu giá?.

Theo nhiều sàn bất động sản tại Thanh Hóa thì khu đất này được đánh giá có vị trí đắc địa, giá trị cao vì đã hoàn thành xong phần hạ tầng kỹ thuật, vị trí thuận lợi cho giao thông và các tiện ích xã hội khác. Theo điều tra được biết, các mặt bằng lân cận giá trị không dưới 17 triệu đồng/m2, nghĩa là tại các lô đất ở các mặt bằng lân cận giá mỗi lô đất cùng diện tích không dưới 1,4 tỷ đồng.

Theo thông tin từ Chi cục thuế Khu vực Thành phố - Đông Sơn thì Công ty Cổ phần Hiraku (đơn vị trúng đấu giá quyền sử dụng đất tại Dự án Công viên cây xanh thuộc Khu đô thị Nam thành phố Thanh Hóa) mới nộp theo định kỳ là 147.500.000.000 đồng trên tổng số tiền đất phải nộp vào ngân sách là: 295.000.000.000 đồng.

Là dự án nhà ở hình thành trong tương lai dù nghĩa vụ tài chính chưa hoàn thành nhưng đơn vị phân phối là Công ty Cổ phần bất động sản Bắc Bộ tại Thanh Hóa (Công ty thành viên Đất Xanh miền Bắc) đổi tên thành khu đô thị Green City Thanh Hóa và rao bán rầm rộ bằng cách nhận cọc của khách hàng với hình thức "phiếu tư vấn". Cũng theo như đơn vị phân phối thì dự án có hai loại như Lô liền kề: 80m2 - 90m2, Biệt thự: 375m2 - 583m2, giá giao động 15 - 20 triệu/1 m2, tùy vị trí.

Công ty cổ phần bất động sản Bắc Bộ (Công ty thành viên của Đất Xanh Miền Bắc) đổi tên dự án thành Green City và rao bán rầm rộ.

Trong vai khách hàng có nhu cầu mua đất nhanh chóng được các nhân viên của Công ty bất động sản Bắc Bộ săn đón với những thư mời, lời mời có cánh rất “mỹ từ” hút khách như: Dự án siêu “hot”, giá đầu tư “siêu lời”; dự án có vị trí kết nối thuận lợi đa hướng, hứa hẹn sẽ mang tới cơ hội an cư và đầu tư…

Để tạo niềm tin cho khách hàng, nhân viên của sàn Công ty bất động sản Bắc Bộ cho biết hiện tại bên Đất Xanh đang mở bán dự án Green City Thanh Hóa, nếu khách hàng muốn mua thì phải đặt chỗ là 100 triệu/1 lô và cho biết thêm đây là dự án nhà ở hình thành trong tương lai, nhà đầu tư sẽ không xây nhà nữa, thay vào đó khách hàng tự xây nên khi khách hàng đã đầu tư thì cũng rất dễ dàng trong việc chuyển nhượng.

Sau khi quyết định mua đất tại dự án Green City Thanh Hóa, khách hàng đến bàn tư vấn thì được nhân viên tên D. cung cấp cho một giấy đặt cọc mang tên “Phiếu đăng ký tư vấn”.

Phiếu đặt cọc được đơn vị phân phối đổi thành phiếu tư vấn

Điều bất thường là trong Phiếu đăng ký tư vấn mà Công ty cổ phần bất động sản Bắc Bộ (Công ty thành viên Đất Xanh miền Bắc) này dùng để thu tiền khách hàng 100 triệu đồng với lý do là "thu hộ cho chủ đầu tư". Trong 100 triệu thu hộ này, khách hàng có thể nộp trước số tiền thấp nhất là 20 triệu, nhưng trong vòng 24 giờ khách hàng phải nộp đủ với số tiền là 100 triệu đồng, nếu không nộp đúng hạn Công ty bất động sản Bắc Bộ sẽ giới thiệu vị trí đó cho khách hàng khác, cũng như mất số tiền đã nộp đã nộp trước đó.

Không những vậy công ty này còn yêu cầu khách hàng thừa nhận và đồng ý bên B “nguyện vọng mua hàng”, và bên A (Công ty bất động sản Bắc Bộ) có nhiệm vụ “ thu hộ chủ đầu tư” không được hiểu là tiền đặt cọc đảm bảo giao dịch đối với lô đất tại dự án dưới bất kỳ phương diện nào. Phải chăng, đây chính là “mánh khóe” để Công ty bất động sản Bắc Bộ “lách luật”, cố tình đẩy khách hàng vào “thế đã rồi”.

Quy trình đặt cọc của đơn vị phân phối.

Khi khách hàng thắc mắc khi nào sẽ nhận được sổ đỏ thì nhân viên tư vấn cho biết nếu khách hàng muốn sang tên sổ đỏ chính chủ thì bắt buộc phải xây dựng nhà trước và không quá 4 tầng theo quy hoạch thì mới được cấp sổ đỏ chính chủ, còn chưa xây nhà thì vẫn đứng tên chủ đầu tư. Còn việc chuyển nhượng, cho tặng hay cầm cố thì chỉ cần có giấy tờ chuyển nhượng của chủ đầu tư là xong.

Theo ông Nguyễn Vũ Lâm, chuyên gia trong lĩnh vực BĐS nhận định: "Đây là dự án nhà ở hình thành trong tương lai mà theo quy định thì chủ đầu tư phải đầu tư xây dựng theo quy hoạch thì mới được bán và bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Như vậy, nếu khách hàng đầu tư vào dự án này trong thời điểm hiện tại thì dễ dẫn đến rủi ro, bởi khi chủ đầu tư vẫn là người đứng tên chủ sở hữu thửa đất rất dễ dẫn đến việc chủ đầu tư không uy tín sẽ đem bán tiếp mảnh đất đó cho khách hàng khác nhằm huy động vốn trái phép. Trường hợp này không hiếm gặp trong giao dịch bất động sản trong thời gian qua.

Mặt khác, sau khi khách hàng đã đầu tư và là chủ sỡ hữu hợp pháp thửa đất nhưng không thể chuyển nhượng, trao tặng hoặc mất giá vì tâm lý người mua bao giờ họ cũng sợ gặp phải thửa đất có tranh chấp về pháp lý.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản Sở Xây dựng Thanh Hóa cho biết: "Về dự án Green City Thanh Hóa nếu họ bán nhà ở hình thành trong tương lai, tức xây thô rồi mới bán thì bắt buộc phải qua sở xây dựng để làm các thủ tục đủ điều kiện mới bán, cái này anh phải xem lại hồ sơ, còn nếu họ chỉ bán đất thì họ sẽ không phải làm các thủ tục nhà ở hình thành trong tương lai. Còn khi họ huy động vốn bằng các hình thức thỏa thuận khác như hợp đồng góp vốn... thì rất khó xử lý, nhưng xét về giao dịch mua bán BĐS là chưa đúng".

Tác giả: Diệu Linh

Nguồn tin: dothi.reatimes.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok