Giáo dục

16 triệu USD không biên soạn bộ sách giáo khoa: Tiền sẽ chi vào đâu?

"Số tiền 16 triệu USD (khoảng 370 tỷ đồng), bộ GD&ĐT sẽ sử dụng vào việc gì? Đây là số tiền được đầu tư vì sự nghiệp giáo dục. Và việc công khai sử dụng số tiền đó ra sao lại là việc thuộc thẩm quyền của Bộ, “nằm trong tầm tay của Bộ”, vậy, có khó khăn gì mà không công khai?", ông Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm và cũng là băn khoăn lớn của dư luận xã hội.

Sách giáo khoa (Ảnh minh họa).

Phải giải trình rõ lý do không thực hiện đúng Nghị quyết

Theo Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông quy định: Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, bộ Giáo dục và Đào tạo (bộ GD&ĐT) tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Tuy nhiên, trong 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 vừa công bố, không có bộ nào do bộ GD&ĐT biên soạn.

Được biết, vào tháng 5/2019, Bộ này báo cáo không thực hiện được Nghị quyết 88 của Quốc hội về việc chủ động biên soạn bộ sách giáo khoa, do không đủ ứng viên để tuyển chọn tác giả.

Trước đó, trong khoảng 77 triệu USD vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới để đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, có hơn 16 triệu USD dự kiến để bộ GD&ĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa. Nay không thực hiện được việc này, vậy khoản tiền 16 triệu USD đang ở đâu và Bộ sẽ chi tiêu như thế nào?

Đại diện bộ GD&ĐT cho biết, sẽ đàm phán với Ngân hàng Thế giới về việc tái cấu trúc kinh phí dự án, trong đó có tái phân bổ nguồn kinh phí thiết kế cho biên soạn sách giáo khoa nhằm đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

ĐBQH Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội

Trao đổi với PV báo Người đưa tin xung quanh vấn đề này, ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho biết: “Nghị quyết 88 của Quốc hội đã ban hành từ lâu. Nếu bộ GD&ĐT muốn thay đổi mục đích sử dụng nguồn vốn vay thì phải làm lại tờ trình, nêu rõ lý do hợp lý, xem có đúng quy định của pháp luật hay không, có đúng thẩm quyền hay không. Lúc đó, các cơ quan có thẩm quyền mới xem xét lại được. Cơ quan nào quyết định thì cơ quan đó sẽ thông qua lại”.

Vị Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nói thêm: “Về mặt nguyên tắc, nếu muốn thay đổi, thứ nhất, bộ GD&ĐT phải giải trình lý do vì sao không thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội. Trong quá trình Nghị quyết đã ban hành mà Bộ không thực hiện được vì lý do nào đó thì Bộ phải chứng minh, luận giải cho thuyết phục, tường minh. Nếu việc giải trình mà cặn kẽ, chính đáng thì mới xem lại được. Còn nếu như Bộ không giải trình được thì cũng phải nêu rõ trách nhiệm ở đâu, cá nhân, tập thể nào không hoàn thành mục tiêu đặt ra. Mọi việc phải tuân theo quy định chặt chẽ của pháp luật về thẩm quyền, về lý do thay đổi và khoản tiền bố trí cho mục đó được sử dụng vào đâu, có chính đáng hay không”.

Trao đổi với PV báo Người đưa tin, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT cũng bày tỏ: “Theo tôi, nguyên tắc đầu tiên phải minh bạch. Đầu tiên, khi Quốc hội phê chuẩn cho bộ GD&ĐT xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa, và để làm được, tất nhiên, Bộ phải có kinh phí để thuê người biên soạn, người thẩm định, in ấn, hỗ trợ mua sách, xây dựng thư viện cho vùng khó khăn... được nêu rõ trong đề án.

Tuy nhiên, sau đó, Bộ lại bảo không làm, việc viết sách được đưa vào xã hội hóa, có nghĩa là số tiền trước đó thừa ra. Vì vậy, theo nguyên tắc, nếu bộ GD&ĐT sử dụng vào mục đích nào thì nên công khai minh bạch ra.

Số tiền 16 triệu USD (khoảng 370 tỷ đồng) đó, Bộ sẽ sử dụng vào việc gì? Nếu sử dụng tiền để in sách, để hỗ trợ những vùng khó khăn hết bao nhiêu, tiền năm nay mới chuẩn bị cho sách giáo khoa lớp 1 chưa sử dụng hết thì còn dành cho sách các lớp 2,3,4... tất cả cần được công khai”.

Cụ thể, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT phân tích: “Cách tốt nhất hiện giờ, bộ GD&ĐT hãy kê khai cụ thể, đối chiếu các khoản mục trước đó đã đề ra, xem có “dính” vào khoản mục nào không? Nếu không dính, thì phải giải trình rõ ràng.

Chẳng hạn, nếu Bộ nói, trước đây đề nghị để làm sách nhưng nay đã không làm thì xin đề nghị sử dụng số tiền đó vào việc này, việc kia, thì phải có kê khai rõ ràng, sử dụng hết bao nhiêu, trong thời gian nào...”.

“Đây là số tiền được đầu tư vì sự nghiệp giáo dục. Và việc công khai sử dụng số tiền đó ra sao lại là việc thuộc thẩm quyền của Bộ, “nằm trong tầm tay của Bộ”, vậy, có khó khăn gì mà không công khai? Nếu được công khai, rõ ràng thì sẽ chẳng còn ai thắc mắc gì”, Tiến sĩ Nhĩ nhấn mạnh.

Tái cấu trúc nguồn vốn như thế nào?

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục trung học, bộ GD&ĐT Giám đốc dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, bộ GD&ĐT đã lý giải, trong dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông nói riêng cũng như bất cứ dự án ODA nói chung, kinh phí tài trợ được quy định chặt chẽ trong hiệp định.

Ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục trung học, bộ GD&ĐT.

Sau đó, người thực hiện phải bàn bạc với nhà tài trợ về các cấu phần, chi tiêu vào khoản gì, bao nhiêu và được ghi thành sổ tay hướng dẫn thực hiện dự án.

Trong dự án này có cấu phần biên soạn sách giáo khoa, với kinh phí khi thiết kế dự án là 16 triệu USD.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Xuân Thành cũng cho biết, một phần kinh phí được sử dụng để biên soạn tài liệu và tập huấn cho người thẩm định sách giáo khoa.

Cụ thể, ông chỉ ra: “Số tiền này được dành cho việc tổ chức, thù lao cho tác giả, tổ chức triển khai biên soạn, một phần để biên soạn tài liệu dành cho người biên soạn, thẩm định sách giáo khoa, giúp tác giả và người tham gia thẩm định hiểu được chương trình, hiểu được tiêu chí thẩm định để thực hiện biên soạn, thẩm định sách giáo khoa đúng với các tiêu chí và có chất lượng tốt.

Bên cạnh đó, trong 16 triệu USD, có kinh phí biên soạn sách giáo khoa song ngữ tiếng dân tộc thiểu số, kinh phí dành cho việc dịch một số sách giáo khoa sang chữ nổi Braille để phục vụ cho đối tượng học sinh khiếm thị”.

Về phần kinh phí còn lại, Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục trung học, bộ GD&ĐT bày tỏ: “Để đổi mới chương trình phổ thông, ngoài kinh phí dành cho biên soạn sách giáo khoa, còn một loạt các công việc khác liên quan như biên soạn tài liệu, bồi dưỡng gần 1 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, hỗ trợ các vùng khó khăn.

Hiện trong thiết kế của dự án đã có nhưng không đủ. Do vậy, cần đàm phán để sử dụng nguồn kinh phí đó tăng cường thêm, nhất là hỗ trợ cho các vùng khó khăn. Khi thiết kế dự án, các cấu phần đã được tính toán kỹ trong khuôn khổ nguồn vốn vay theo thỏa thuận nhưng so với nhu cầu thì còn thiếu nhiều.

Nếu không tái cấu trúc mà trả lại, nghĩa là trả về ngân sách, nhưng sau đó, lại vẫn phải dùng ngân sách để chi cho một loạt các hoạt động sau này như mua sách hỗ trợ cho đối tượng chính sách được mượn, bồi dưỡng giáo viên...

Do đó, dùng số tiền này để phân bổ lại trong khuôn khổ của dự án để bảo đảm mục tiêu của dự án sẽ tốt hơn cho giai đoạn đầu triển khai thực hiện chương trình mới”.

“Chẳng hạn, trước đây, việc mua sách cho vùng khó được chi với khoản 4,5 triệu USD. Theo tính toán, số tiền này chỉ mua sách lớp 1 đã chiếm phần lớn và chỉ còn lại một phần nhỏ để mua sách lớp 2 cho năm tiếp theo.

Tuy nhiên, khi dư một phần trong khoản vay 16 triệu USD, dự án có thể đề nghị trang bị thêm sách giáo khoa cho thư viện vùng khó khăn từ lớp 1, 2, và lớp 6.

Điều này phù hợp với mục tiêu dự án cũng như yêu cầu Bộ đặt ra: Ưu tiên hỗ trợ triển khai chương trình mới và vùng đặc biệt vùng khó khăn”, ông phân tích.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, tới đây, sau kỳ đánh giá cuối năm từ ngày 25/11-6/12, Bộ sẽ có sự bàn bạc với Ngân hàng Thế giới, dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông đang tiến hành tái cấu trúc để sử dụng nguồn vốn này vào các cấu phần khác hướng tới mục đích đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông.

“Tất nhiên, phải xây dựng phương án rất chi tiết, phương án ấy được thẩm định kỹ lưỡng bởi các bên có liên quan và có sự thống nhất của nhà tài trợ thì mới giải ngân được”, ông khẳng định.

Tác giả: Chí Công – Thủy Tiên

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

  Từ khóa: Sách giáo khoa , USD

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok